9 ứng cử viên vắc-xin ngừa COVID-19 đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm III. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, con số này chưa bằng 1/2 mục tiêu của Cam kết Thị trường mở Tiên tiến (COVAX AMC), khi mục tiêu ban đầu là 2 tỷ USD để mua loại vắc-xin này.
“Tính đến ngày 10/9, số tiền đã huy động được là 700 triệu USD. Vì vậy, có rất nhiều việc phải làm để đa dạng hóa các nguồn tài trợ có thể có”, Giám đốc khu vực của WHO tại châu Phi, bà Matshidiso Moeti nói trong một cuộc họp báo trực tuyến.
Được biết, COVAX do Liên minh Vắc xin GAVI, WHO và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) đồng dẫn đầu, với mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin ngừa COVID-19 hiệu quả, và được phê chuẩn vào cuối năm 2021.
Bà Matshidiso Moeti cho hay, ít nhất 8 quốc gia châu Phi, bao gồm Nam Phi, Gabon, Namibia và Guinea Xích Đạo đã nhất trí tự tài trợ cho việc tiếp cận vắc-xin.
Trong một động thái liên quan, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi hồi tháng trước khẳng định, châu lục này đã bắt đầu từ từ giảm dần các ca nhiễm COVID-19 khi những biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội làm chậm lại sự lây lan của đại dịch.
"Bước đại nhảy vọt"
Cũng trong ngày 10/9, Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên tiếng kêu gọi một "bước đại nhảy vọt" ngay lập tức trong việc tài trợ cho các chương trình toàn cầu nhằm chống lại đại dịch COVID-19 và khôi phục sự thịnh vượng.
Trong đó, Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres hối thúc các quốc gia tìm kiếm 15 tỷ USD trong 3 tháng tới để tài trợ cho chương trình ACT-Accelerator, một sự hợp tác toàn cầu nhằm tìm ra vắc-xin và các phương pháp điều trị do WHO dẫn đầu.
"Hoặc chúng ta đứng cùng nhau, hoặc chúng ta sẽ thất bại. Chúng ta cần một bước đại nhảy vọt trong tài trợ nhằm tăng cơ hội về một giải pháp toàn cầu để đưa thế giới vận động, làm việc và thịnh vượng trở lại. Nếu không có nó, chúng ta sẽ mất cơ hội", Tổng Thư ký LHQ phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến của ACT-Accelerator; ông Antonio Guterres cũng gọi virus này là "mối đe dọa an ninh toàn cầu số một".
Trong một phát biểu, Tổng thống Rwandan, ông Paul Kagame nhận định, ACT-Accelerator là "một trong những sáng kiến quốc tế quan trọng nhất đang được triển khai trong thế giới ngày nay".
Mở rộng quy mô
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 900.000 người và lây nhiễm ít nhất 27,9 triệu người kể từ khi đợt bùng phát được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Theo đánh giá mới nhất của WHO, 35 ứng cử viên vắc-xin ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm trên người, trong đó có 9 loại vắc-xin đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm III, thử nghiệm trên hàng chục nghìn người. Ngoài ra, 145 ứng cử viên vắc-xin khác đang trong các giai đoạn thử nghiệm trước đó. Thông thường, chỉ có khoảng 10% ứng cử viên vắc-xin thành công.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi tốc độ phát triển vắc-xin, các chẩn đoán và điều trị đối với COVID-19 là "đáng kinh ngạc"; song, ông khẳng định cần phải làm nhiều hơn nữa.
“Chúng ta cần nhanh chóng mở rộng quy mô các thử nghiệm lâm sàng, sản xuất, cấp phép và năng lực quản lý để những sản phẩm này có thể đến tay mọi người và bắt đầu cứu lấy mạng sống”, người đứng đầu WHO nói thêm.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & AFP)