Công cuộc điều chế vaccine COVID-19 vẫn đang tích cực diễn ra để nhanh chóng đưa thế giới thoát khỏi đại dịch. Ảnh minh họa: THX/ TTXVN/ Vietnam+
Tuy nhiên, hiện kế hoạch đang cần thêm nhiều kinh phí và các nước tham gia cũng được yêu cầu đảm bảo những cam kết ràng buộc đi kèm.
Cụ thể, các quốc gia có mong muốn tham gia kế hoạch COVAX toàn cầu sẽ có hạn cuối là ngày 31/8 để đệ đơn. Kết quả xác nhận sẽ được công bố vào ngày 18/9, những khoản phí thu ban đầu sẽ đến hạn vào ngày 9/10.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, kế hoạch này đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch COVID-19, không những tăng cơ hội mua vaccine cho các quốc gia đang phát triển mà còn đảm bảo vaccine luôn được giữ ở “mức giá thấp nhất”.
Trong đó, COVAX được đồng lãnh đạo bởi liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), WHO và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI). Kế hoạch được xây dựng nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng trên toàn cầu sau khi chúng được phát triển và cho phép đưa vào sử dụng.
Hiện đang có tổng cộng 9 loại vaccine COVID-19 tiềm năng. Mục tiêu của COVAX là đảm bảo nguồn cung cấp và phân phối 2 tỷ liều vaccine cho khắp các nước đăng ký trên toàn thế giới vào năm 2021.
“Ban đầu, khi nguồn cung vaccine COVID-19 vẫn còn hạn chế, điều quan trọng là cung cấp vaccine cho những người có nguy cơ cao nhất trên toàn cầu”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh. Được biết, “những người có nguy cơ cao” bao gồm nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu – những người rất quan trọng trong công tác cứu sống và ổn định hệ thống kinh tế nói chung.
Bruce Aylward – Cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO khẳng định: “Điều quan trọng là phải đảm bảo một số loại vaccine sẽ được cung cấp cho tất cả các quốc gia càng sớm càng tốt”.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)