Khoảng 100 nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang nỗ lực để phát triển vaccine chống COVID-19. Ảnh: Reuters/VOV
Với khoảng gần một chục loại vaccine đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm trên người hoặc sẵn sàng để bắt đầu thử nghiệm, hàng trăm người ở nhiều quốc gia đã tình nguyện tham gia vào chương trình tiêm vaccine thử nghiệm chống COVID-19, làm khơi dậy hy vọng có thể chấm dứt đại dịch sớm hơn dự kiến.
Không nằm ngoài nỗ lực toàn cầu hiện nay, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang chạy đua để phát triển vaccine chống COVID-19. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực này có chuyên môn và nguồn lực để đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc phát triển vaccine mà còn trong việc phân phối chúng cho những người cần nhất.
Một phân tích của Liên minh Các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) trong tháng 4 chỉ ra rằng, hầu hết các nỗ lực phát triển vaccine đến từ các nhà sản xuất ở khu vực tư nhân, với 36% đến từ châu Á. Tầm quan trọng của châu Á-Thái Bình Dương trong thị trường vaccine quốc tế cũng được phản ánh trong các dữ liệu được ghi nhận trước đó. Sáu quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nằm trong số 20 nhà xuất khẩu vaccine hàng đầu thế giới, bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Indonesia và Trung Quốc. Một số quốc gia khác là các nhà sản xuất nhỏ hơn, nhưng vẫn xuất khẩu lượng vaccine trị giá hơn 100 triệu USD hàng năm, như Malaysia, Philippines, Việt Nam, Fiji và Thái Lan.
Các chuyên gia cho rằng, để có thể đi đầu trong việc phát triển các loại vaccine mới chống COVID-19, châu Á có thể dựa vào những kinh nghiệm thực tế trong việc sản xuất vaccine tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó cần chú trọng đến các biện pháp để sử dụng tốt nhất các nguồn lực hiện có để nhanh chóng phát triển và mở rộng quy mô sản xuất vaccine chống COVID-19.
Trong bối cảnh cấp thiết hiện tại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, viện nghiên cứu, chính phủ và các cơ quan quản lý để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của các loại vaccine tiềm năng. Quan trọng nhất, cần tìm ra một cơ chế phối hợp khu vực để đảm bảo việc sản xuất và phân phối vaccine an toàn cho toàn bộ khu vực trong thời gian ngắn.
Thực tế, để việc sản xuất vaccine được tiến hành một cách nhanh chóng và tiếp cận càng nhiều người càng tốt trong một khoảng thời gian ngắn đòi hỏi phải có phản ứng dựa trên nguyên tắc đoàn kết khu vực. Đồng thời, việc phê chuẩn nhanh các loại vaccine mới cần được đảm bảo an toàn bởi các hệ thống quản lý và giám sát hợp lý. Vaccine cũng nên được ưu tiên hàng đầu cho các nhân viên y tế, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe… ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn khu vực. Ngoài ra, cũng cần sự phối hợp và hợp tác mạnh mẽ giữa các nhà phát triển vaccine, hoạch định chính sách, nhà tài trợ, cơ quan y tế công cộng và chính phủ để đảm bảo vaccine an toàn và hiệu quả được sản xuất đủ và có thể tiếp cận với các nước, kể cả các nước thành viên nghèo nhất.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ Worldometers, ABCNews & ADB)