Thế giới

ADB: Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng đánh dấu những cột mốc quan trọng

ClockThứ Sáu, 18/11/2022 18:57
TTH.VN - Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng (ETM) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ đã đạt được những tiến bộ đáng kể, kể từ khi nền tảng Đối tác ETM Đông Nam Á được ngân hàng này công bố tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Anh hồi năm 2021.

IEA: Đông Nam Á cần đa dạng hóa nguồn năng lượngĐông Nam Á và tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch

Các tấm pin năng lượng mặt trời tại Bình Định. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng Giám đốc Bộ phận Phát triển Bền vững và Biến đổi Khí hậu của ADB, ông Bruno Carrasco cho biết: “Năm ngoái, cùng với Indonesia và Philippines, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện một chương trình đầy tham vọng nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

“Tôi tự hào tuyên bố, chương trình ETM đã đạt được một số cột mốc quan trọng, chuyển từ khái niệm sang một chương trình hoạt động. Và đây mới chỉ là sự khởi đầu. Với tư cách là ngân hàng khí hậu của châu Á - Thái Bình Dương, ADB cam kết đảm bảo ETM đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của khu vực”, ông Bruno Carrasco nói thêm.

Được biết, tuyên bố ​​​​của ông Bruno Carrasco được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) năm nay, sự kiện đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập từ ngày 6 - 18/11, nơi quy tụ các quan chức cấp cao từ các quốc gia thành viên đang phát triển, các nhà tài trợ, các đối tác từ khu vực tư nhân, và các tổ chức xã hội dân sự.

Theo Tổng Giám đốc Bộ phận Phát triển Bền vững và Biến đổi Khí hậu của ADB, một loạt tiến bộ đã được ghi nhận trong 12 tháng qua. Trong số đó là sự ra mắt của Nền tảng quốc gia ETM Indonesia do Chính phủ Indonesia dẫn đầu, đóng vai trò là nền tảng điều phối trung tâm, nhằm thúc đẩy việc ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng của các nhà máy điện than và nhiên liệu hóa thạch khác, để thay thế bằng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, Nền tảng Hỗ trợ Chuyển đổi Công bằng của ADB đã được công bố tại Hội nghị COP27, nhằm giúp các quốc gia thành viên đang phát triển lập kế hoạch chiến lược, tài trợ và thực hiện quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế phát thải ròng bằng 0.

ADB cho hay, ETM là một chương trình chuyển đổi trong khu vực, nhằm tìm cách sử dụng các quỹ ưu đãi và dựa trên thị trường để ngừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than hiện có, theo lịch trình tăng tốc và thay thế chúng bằng năng lượng sạch.

ETM nằm trong khuôn khổ của một tập hợp lớn hơn gồm các sáng kiến nhằm giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm thiểu những tác động xấu nhất của vấn đề biến đổi khí hậu, chẳng hạn như mực nước biển dâng cao và các sự kiện thời tiết nguy hiểm.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Adb.org)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TƯƠNG LAI NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐÔNG NAM Á:
Động lực tài chính đang gia tăng

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và sự tập trung vào năng lượng tái tạo ngày càng lớn để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Đông Nam Á - vùng đất sở hữu nhiều ánh nắng mặt trời và những tiến bộ trong công nghệ năng lượng mặt trời - sẽ mang đến cơ hội đáng kể cho hoạt động tài trợ năng lượng tái tạo.

Động lực tài chính đang gia tăng
Châu Á - Thái Bình Dương:
ADB vạch ra lộ trình giải quyết tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày hôm nay (25/11) công bố Kế hoạch Hành động Môi trường giai đoạn 2024 - 2030, vạch ra lộ trình giải quyết những tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh gồm: mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ADB vạch ra lộ trình giải quyết tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh
Return to top