Lượng kiều hối toàn cầu năm 2020 dự kiến giảm 108,6 tỷ USD do đại dịch COVID-19. Ảnh: VOV
Theo báo cáo của ADB, đại dịch COVID-19 đang tiếp tục đè nặng lên các hệ thống kinh tế và việc làm trên toàn thế giới, trong đó lao động nhập cư là một trong những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi rất nhiều người mất việc làm hoặc bị cắt giảm giờ làm, giảm lương bổng và hạn chế tiếp cận với các khoản trợ cấp xã hội. Thất nghiệp quy mô lớn và giảm lương trong lao động nhập cư cũng đe dọa cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở châu Á-Thái Bình Dương, những người vốn phụ thuộc vào kiều hối để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày.
Dựa trên kịch bản xấu nhất, trong đó tác động kinh tế do COVID-19 gây ra vẫn tồn tại suốt cả năm, ADB dự báo lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm 108,6 tỷ USD trong năm 2020, tương đương với mức giảm 18,3% so với mức dự kiến khi không có tác động của COVID-19. Cũng theo ADB, đại dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh đến kiều hối ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực chiếm khoảng 1/3 lao động nhập cư trên toàn thế giới, với dự báo tổng lượng chuyển tiền đến khu vực này sẽ giảm 54,3 tỷ USD trong năm nay, tương đương với 19,8% lượng kiều hối trong năm 2018.
Theo thống kê trong năm 2019, kiều hối chuyển đến châu Á - Thái Bình Dương trị giá tới 315 tỷ USD, giúp thúc đẩy tăng trưởng đối với một số nền kinh tế đang phát triển của khu vực. Trong bối cảnh hiện tại, các quốc gia phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng hơn là các nước có tỷ lệ kiều hối trên tổng sản phẩm quốc nội và kiều hối bình quân đầu người cao, như Tonga, Samoa và các quốc gia Thái Bình Dương khác.
Georgia, Kyrgyzstan và Tajikistan, những nước đã đưa một số lượng lớn lao động di cư theo mùa và dài hạn chủ yếu đến Nga và châu Âu, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bên cạnh Nepal và Philippines, báo cáo cho biết.
Xét theo tiểu vùng, kiều hối ở Nam Á dự kiến sẽ giảm mạnh nhất với mức giảm 28,6 tỷ USD(tương đương 24,7% tổng kiều hối năm 2018), tiếp theo là Trung Á (giảm 3,4 tỷ USD, tương đương 23,8%), Đông Nam Á (giảm 11,7 tỷ USD, tương đương 18,6%) và Đông Á (không bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản) giảm 1,7 tỷ USD, tương đương16,2%.
Phần lớn sự sụt giảm của dòng kiều hối đến khu vực này được giải thích là do lượng kiều hối từ Trung Đông giảm 22,5 tỷ USD, chiếm 41,4% tổng lượng sụt giảm kiều hối cho châu Á. Tiếp theo là sự sụt giảm 20,5 tỷ USD kiều hối từ Mỹ, chiếm 37,9% tổng số. Sự sụt giảm kiều hối từ EU, Vương quốc Anh, Nga… cũng góp phần vào những tổn thất cho gia đình các lao động ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trước đó, ADB dự báo rằng nhóm 45 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến tăng tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong gần 6 thập kỷ qua trong năm 2020. Cũng theo ADB, các chính phủ trong khu vực có thể giúp quản lý tác động của COVID-19 đối với kiều hối bằng cách mở rộng các dịch vụ xã hội tạm thời để hỗ trợ những lao động di cư bị mắc kẹt và quay trở lại; hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo vốn phụ thuộc vào kiều hối; và thiết kế các chính sách về sức khỏe, lao động và kỹ năng để giúp người di cư quay trở lại công việc hoặc được tuyển dụng ở ngay trong nước.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & ADB)