Quân nổi dậy đã giết chết hàng trăm binh sĩ và cảnh sát ở Sinai kể từ giữa năm 2013, khi quân đội của ông Abdel Fattah-al-Sisi lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Mursi, kết quả của các cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của ông Mursi.
Lực lượng đặc biệt của quân đội Ai Cập đứng gác bên ngoài trụ sở Liên đoàn Ả Rập ở Cairo - Ảnh: NDTV
Sau khi được bầu làm tổng thống hồi năm ngoái, ông Abdel Fattah-al-Sisi khẳng định tình hình an ninh đang đặt ra một mối đe dọa hiện hữu đối với Ai Cập, quốc gia Ả Rập đông dân nhất.
Quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp được Thủ tướng Ibrahim Mahlab công bố trong một sắc lệnh, sẽ được triển khai ở Rafah, Al-Arish, Sheikh Zuweid và các khu vực lân cận bắt đầu từ hôm nay (26/7). Quyết định này cũng mở rộng lệnh giới nghiêm ban đêm tại các địa điểm bên trong khu vực.
Biện pháp nói trên lần đầu tiên được đưa ra sau khi 33 nhân viên an ninh thiệt mạng trong cuộc tấn công hồi cuối tháng 10/2014 tại một trạm kiểm soát ở phía bắc Sinai. Tình trạng khẩn cấp đã được gia hạn 3 tháng vào tháng 1 và một lần nữa vào tháng 4 năm nay.
Các cuộc tấn công được tuyên bố thực hiện bởi nhóm Nhà nước Hồi giáo tỉnh Sinai, một chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), với tên gọi Ansar Bayt al-Maqdis được sử dụng trước đó. Nhóm phiến quân hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính phủ đương thời ở thủ đô Cairo, chủ yếu tập trung vào các mục tiêu trên bán đảo Sinai.
Hồi đầu tháng này, các phiến quân đã tấn công một số trạm kiểm soát quân sự ở Bắc Sinai, đây được xem là một trong những cuộc giao tranh ác liệt nhất tại khu vực nói trên trong năm nay.
Chưa dừng lại ở đó, nhóm này tuần trước đã nhận trách nhiệm tiến hành vụ đánh bom làm 4 binh sĩ thiệt mạng ở thị trấn Rafah, gần biên giới phía nam với Dải Gaza và tấn công tên lửa vào một tàu hải quân Ai Cập gần bờ biển của Israel và Gaza, chưa đầy một tuần sau khi tuyên bố một vụ đánh bom ở Cairo làm hư hại khá nặng mặt tiền của tòa nhà Lãnh sự quán Italy.
Thanh Ngân (lược dịch từ Reuters & CNA)