Thế giới

Anh phát triển vaccine​ ngừa ung thư buồng trứng đầu tiên trên thế giới

ClockThứ Hai, 07/10/2024 16:01
TTH.VN - Các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) đang nghiên cứu và phát triển loại vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa ung thư buồng trứng, nhằm ngăn ngừa căn bệnh đang giết chết gần 26.000 phụ nữ ở Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm.

Vaccine phòng ung thư, bệnh tim có thể ra mắt vào năm 2030SoftBank sẽ triển khai các dịch vụ y tế dựa trên AI nhằm điều trị ung thưCam kết gần 600 triệu USD để loại bỏ ung thư cổ tử cung

 Mỗi năm, ung thư buồng trứng giết chết gần 26.000 phụ nữ ở Liên minh châu Âu (EU). Ảnh minh họa: Webflow 

Với tên gọi OvarianVax, vaccine này sẽ “huấn luyện” hệ thống miễn dịch nhận biết và chống lại các giai đoạn đầu của ung thư buồng trứng, một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ thường không được phát hiện cho đến khi bệnh đã bước vào giai đoạn khó điều trị hơn.

Hiện tại, chưa có xét nghiệm sàng lọc ung thư buồng trứng, và căn bệnh này thường được chẩn đoán muộn vì các triệu chứng có thể không rõ ràng như đầy hơi và chán ăn.

Được biết, những phụ nữ có đột biến gen BRCA1/BRCA2 thường có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng. Do vậy, những phụ nữ này hiện được khuyến cáo nên cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng ở độ tuổi 35, điều này có nghĩa là họ sẽ mãn kinh sớm và không thể sinh con trong tương lai.

Dữ liệu cho thấy mỗi năm, chỉ riêng ở Vương quốc Anh có khoảng 7.500 ca ung thư buồng trứng mới, trong đó những phụ nữ có đột biến BRCA chiếm khoảng 5%-15%.

Giáo sư Ahmed Ahmed - người đứng đầu dự án OvarianVax cho biết OvarianVax sẽ nhắm đến những người mang đột biến BRCA và những người này có thể được hưởng lợi rất nhiều từ loại vaccine mới vì khi đó, “họ sẽ không phải cắt bỏ buồng trứng”.

Theo giáo sư Ahmed, “việc dạy cho hệ thống miễn dịch nhận ra những dấu hiệu rất sớm của bệnh ung thư là một thách thức khó khăn…, nhưng hiện nay chúng ta có những công cụ cực kỳ tinh vi, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách hệ thống miễn dịch nhận ra ung thư buồng trứng”.

Nhóm của giáo sư Ahmed sẽ cố gắng xác định loại protein nào trên bề mặt của các tế bào ung thư buồng trứng giai đoạn đầu được hệ thống miễn dịch nhận biết tốt nhất và tiến hành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để đo lường hiệu quả của vaccine trong việc tiêu diệt các mẫu này.

Nếu những thử nghiệm ban đầu thành công, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra mức độ hiệu quả của vaccine OvarianVax trên người.

Bà Michelle Mitchell, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Cancer Research UK cho biết dự án nghiên cứu này có thể dẫn đến “những khám phá quan trọng trong phòng thí nghiệm, giúp hiện thực hóa tham vọng cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân ung thư buồng trứng”.

Được biết, Cancer Research UK đang tài trợ cho nghiên cứu này với số tiền lên tới 600.000 bảng Anh trong 3 năm tới. Tổ chức này cũng thận trọng cho rằng có thể vẫn còn mất thêm “nhiều năm” trước khi vaccine này được tung ra thị trường.

Các chuyên gia hy vọng, mũi tiêm phòng ung thư buồng trứng này có thể hoạt động theo cách tương tự như vaccine phòng virus papilloma ở người (HPV), loại vaccine đang trên đà xóa sổ căn bệnh ung thư cổ tử cung ở thế hệ tiếp theo. Điển hình như ở Scotland, kể từ khi nước này triển khai chiến dịch tiêm chủng HPV vào năm 2008, không có trường hợp ung thư cổ tử cung nào được phát hiện ở những phụ nữ đã được tiêm vaccine HPV đầy đủ khi 12-13 tuổi.

Bên cạnh đó, nhiều loại vaccine phòng ngừa các dạng ung thư khác cũng có thể sẽ đến tay bệnh nhân trong những năm tới. Ví dụ hồi tháng 3, các nhà khoa học tại Oxford công bố đang nghiên cứu vaccine phòng ung thư phổi, sử dụng công nghệ tương tự như công nghệ được sử dụng để phát triển vaccine COVID-19 với hãng dược phẩm AstraZeneca.

Vaccine cũng có thể được sử dụng để điều trị cho những người đã mắc bệnh ung thư. Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Vương quốc Anh đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để thử nghiệm các vaccine được cá nhân hóa, nhắm vào các đột biến cụ thể của hàng nghìn bệnh nhân ung thư.

Đối với nghiên cứu đó, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u trước khi tiêm vaccine đã cá nhân hóa – loại vaccine mà các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ thúc đẩy phản ứng miễn dịch để nhận biết và tiêu diệt mọi tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể người bệnh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Skynews & The Independent)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Return to top