Thế giới

Vaccine phòng ung thư, bệnh tim có thể ra mắt vào năm 2030

ClockChủ Nhật, 09/04/2023 19:26
TTH.VN - Moderna – hãng dược phẩm sản xuất vaccine COVID-19 hàng đầu của Mỹ mới đây tuyên bố vaccine chống ung thư, cũng như các bệnh tim mạch và bệnh tự miễn có thể sẽ ra mắt vào năm 2030, có khả năng cứu sống hàng triệu người.

Pfizer – BioNTech thử nghiệm vaccine kết hợp phòng COVID-19 và cúm mùa

leftcenterrightdel
 Các nghiên cứu về vaccine chống ung thư, bệnh tim đã cho thấy “rất nhiều hứa hẹn”.  Ảnh: Shutterstock

Tiến sĩ Paul Burton  - Giám đốc y tế của Moderna, tin rằng hãng này sẽ có thể cung cấp vaccine cho “tất cả các loại bệnh tật” trong vòng sớm nhất là 5 năm tới.

Dẫn lời Tiến sĩ Burton, tờ The Guardian nói rằng các nghiên cứu về vaccine đã cho thấy “rất nhiều hứa hẹn”, đồng thời cho biết thêm rằng Moderna đang phát triển vaccine ung thư nhắm vào các loại khối u khác nhau.

Tiến sĩ Burton khẳng định Moderna sẽ cho ra đời các loại vaccine chống ung thư và bệnh tim với hiệu quả cao, từ đó giúp “cứu sống hàng trăm nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu người”. “Chúng tôi sẽ có thể sản xuất vaccine ung thư được cá nhân hóa, chống lại nhiều loại khối u khác nhau cho mọi người trên khắp thế giới”, ông nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh tim mạch và ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

WHO ước tính có khoảng 17,9 triệu người chết vì các bệnh tim mạch vào năm 2019, trong khi ung thư chiếm gần 10 triệu ca tử vong trong năm 2020, tức gần 1/6 tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Riêng tại Mỹ, ung thư và bệnh tim là nguyên nhân gây ra 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm, tương đương với hơn 1/3 tổng số ca tử vong được ghi nhận tại quốc gia này.

Đáng chú ý, Tiến sĩ Burton cho biết có thể khống chế nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp bằng việc tiêm vaccine. Điều này sẽ tạo điều kiện giúp những người dễ bị tổn thương được bảo vệ chống lại COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp - một loại virus gây ra các triệu chứng nhẹ, giống như cảm lạnh.

Đồng thời, Tiến sĩ Burton cho biết liệu pháp điều trị bằng axit ribonucleic thông tin (mRNA) có thể áp dụng cho các bệnh hiếm gặp mà hiện tại không có thuốc điều trị.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có các liệu pháp dựa trên mRNA cho các bệnh hiếm gặp mà trước đây không thể điều trị được và tôi nghĩ rằng 10 năm nữa, chúng ta sẽ tiến gần đến một thế giới mà chúng ta thực sự có thể xác định nguyên nhân di truyền của bệnh và từ đó, chúng ta có thể sửa chữa nó bằng công nghệ dựa trên mRNA”, ông lạc quan cho biết.

Hiểu một cách đơn giản, vaccine dựa trên công nghệ mRNA dạy các tế bào tạo ra một loại protein để thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại một mầm bệnh cụ thể.

Moderna và nhà sản xuất dược phẩm Pfizer-BioNTech là những đơn vị đầu tiên sử dụng công nghệ này để tạo ra vaccine mRNA chống lại COVID-19.

Tiến sĩ Burton cho rằng những tiến bộ của vaccine là nhờ tiến bộ trong lĩnh vực mRNA, và thậm chí, một số chuyên gia cho rằng tiến trình 15 năm này hiện đang ở giai đoạn cuối với sự ra đời nhanh chóng của vaccine COVID-19.

Cũng theo Tiến sĩ Burton, “với những gì diễn ra trong những tháng gần đây, nếu bạn từng nghĩ rằng mRNA chỉ dành cho các bệnh truyền nhiễm, hoặc chỉ dành cho COVID-19, thì bằng chứng hiện tại cho thấy điều đó hoàn toàn không đúng… Công nghệ mRNA có thể được áp dụng cho tất cả các loại bệnh. Chúng tôi đang nghiên cứu vaccine theo công nghệ này cho bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh tim mạch, bệnh tự miễn, và bệnh hiếm gặp. Chúng tôi có các nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực đó và tất cả đều cho nhiều hứa hẹn”.

Vào tháng 12/2022, Moderna và công ty dược phẩm MSD đã thông báo một loại vaccine ung thư mRNA mà họ đang cùng phát triển đã làm giảm tỷ lệ tái phát ung thư hoặc tử vong ở bệnh nhân u ác tính tới 44% trong một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai.

Các nhà khoa học cho biết cần có mức đầu tư cao để duy trì tiến độ.

Giáo sư Andrew Pollard, Oxford Vaccine Group - nhóm nghiên cứu vaccine AstraZeneca và là Chủ tịch Liên Ủy ban về Vaccine và Tiêm chủng (JCVI) của Vương quốc Anh, cho biết điều quan trọng là không được lơ là mối đe dọa về một đại dịch mới. Theo ông, ngay trong thời bình, hầu hết các quốc gia đều có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng cho quân đội; trong khi đó đại dịch cũng là một mối đe dọa, nếu không muốn nói là hơn cả một mối đe dọa quân sự, nhưng chúng ta chưa có sự đầu tư thích đáng cho vấn đề này.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực
Return to top