Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội hồi tháng 4/2020. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo ông Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein, sự đoàn kết của ASEAN đã giúp khối khu vực cùng nhau vượt qua những thách thức, từ các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu, đến thiên tai, và giờ đây là đại dịch COVID-19.
Trong một thông điệp nhân dịp kỷ niệm Ngày ASEAN lần thứ 54 (8/8/1967 - 8/8/2021), Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia cho biết, các tác động của đại dịch COVID-19 đối với cuộc sống và sinh kế là rất nghiêm trọng; đồng thời khẳng định, ASEAN sẽ không bao giờ nhụt chí và sẽ tiếp tục kiên định trong nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19 cùng với phần còn lại của thế giới, để chứng tỏ nhân loại sẽ cùng nhau vượt qua thách thức to lớn này và nổi lên mạnh mẽ hơn.
Kể từ đầu năm 2020, ASEAN đã có những bước đi chủ động thông qua một loạt các cam kết và trao đổi thông tin giữa những quốc gia thành viên và các đối tác bên ngoài, với mục đích nâng cao năng lực của khu vực trong việc phòng ngừa, phát hiện, ứng phó và sẵn sàng đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh.
ASEAN đã thực hiện một số chiến lược và khuôn khổ để đối phó với COVID-19, đồng thời giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế và đảm bảo hạnh phúc của người dân.
Trong Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 vào tháng 4 năm ngoái, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí về sự cần thiết của ASEAN trong việc tập trung vào giải quyết các tác động kinh tế và xã hội của đại dịch, đồng thời hướng tới một kế hoạch phục hồi hậu đại dịch cho ASEAN.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin đã đề xuất ASEAN xây dựng một kế hoạch phục hồi kinh tế khu vực để điều phối các phản ứng trong khu vực. Tiếp đó, Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF), đóng vai trò là hướng dẫn cho các định hướng chiến lược và trọng tâm của việc phục hồi và hỗ trợ liên quan đến đại dịch ở ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và hội nghị cấp cao liên quan hồi tháng 11/2020.
Ông Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein cho hay, thông qua ACRF, một số chiến lược rộng lớn đã được xây dựng, bao gồm tăng cường các hệ thống y tế khu vực, tăng cường an ninh con người, tối đa hóa tiềm năng của thị trường nội khối ASEAN và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện.
Nhằm đẩy nhanh sự phục hồi sau đại dịch, ASEAN đã bắt tay vào một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt các bộ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ cá nhân và vaccine thông qua Quỹ Ứng phó ASEAN COVID-19. Được biết, quỹ này sẽ hỗ trợ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN trong việc phát hiện, kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, cũng như đảm bảo sự an toàn của các nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu.
Bên cạnh đó, Thỏa thuận hành lang du lịch ASEAN (ATCAF), với mục tiêu là phục hồi và tăng cường các hoạt động kinh tế, được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các doanh nhân cần thiết trong ASEAN, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình y tế.
Cũng theo Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần không còn có thể bỏ qua, và đó là một khía cạnh khác mà ASEAN đang nghiêm túc xem xét. Thừa nhận tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần, ASEAN và các đối tác bên ngoài đã bắt tay vào một số sáng kiến nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về các phương pháp tốt nhất, cũng như xây dựng các chính sách để giải quyết vấn đề này. Trong đó, ASEAN đang hợp tác cùng với công chúng, các chuyên gia và các tổ chức xã hội dân sự nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất có thể để giảm thiểu vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Nhận định tiêm chủng là công cụ khả thi nhất để chiến thắng đại dịch, ông Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein cho biết, ASEAN tiếp tục kêu gọi sự phân phối vaccine công bằng và bình đẳng cho tất cả các quốc gia, một nỗ lực đã được thực hiện nhiều lần trong tất cả các cam kết của ASEAN.
Được thành lập vào ngày 8/8/1967, ASEAN bao gồm 10 quốc gia thành viên là: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam.
Lê Thảo (Lược dịch từ The Edge Markets & Bernama)