Thế giới

ASEAN đối mặt thách thức trong việc học trực tuyến giữa đại dịch COVID-19

ClockThứ Năm, 19/03/2020 16:41
TTH.VN - Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lan rộng khắp thế giới, nhiều chính phủ và công ty trên toàn cầu đã ứng phó với đại dịch bằng cách hủy bỏ các sự kiện công cộng và đóng cửa văn phòng, nhà hàng, bảo tàng, trường học các cấp… để hạn chế sự lây lan hàng loạt trước dịch bệnh rất dễ lây nhiễm này.

Dạy trực tuyến cho học trò trường chuyênCần rà soát lại nội dung học trực tuyếnĐại dịch Covid-19: Bộ GD&ĐT nên công nhận kết quả học trực tuyến

Một học sinh Trung Quốc học trực tuyến tại nhà giữa đại dịch COVID-19. Ảnh: Tân Hoa Xã/Tuổi Trẻ

Tính đến sáng 19/3, hơn 217.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 8.900 ca tử vong vì COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới.

Trước việc đóng cửa trường học các cấp ở nhiều quốc gia, các tổ chức giáo dục trên khắp thế giới đã kêu gọi và tổ chức các lớp học trực tuyến để đảm bảo rằng học sinh vẫn có thể tiếp tục việc học tại nhà.

Tại Mỹ, hơn 200 trường đại học đã hủy các lớp học trực tiếp và chuyển sang học trực tuyến. Các nước châu Á cũng có xu hướng tương tự. Ở Đông Nam Á, nhiều trường học đã bị đóng cửa trong bối cảnh dịch COVID-19 trong khu vực ngày càng nghiêm trọng và nhiều trường đại học đã chuyển các lớp học trực tiếp sang học trực tuyến như một nỗ lực nhằm hạn chế lây truyền mầm bệnh.

Sự chuyển đổi đột ngột sang các bài giảng trực tuyến đã gây lo ngại cho nhiều giáo viên và giảng viên ở Đông Nam Á. Mặc dù thế giới đã trở nên siêu kết nối và sự thâm nhập của internet vẫn tiếp tục tăng lên hàng năm, thì ở Đông Nam Á cũng như ở nhiều khu vực đang phát triển khác, một bộ phận lớn dân số vẫn không được tiếp cận với Internet và các thiết bị điện tử.

Khoảng cách số ở Đông Nam Á

Thuật ngữ "khoảng cách số" đã được sử dụng để xác định khoảng cách trong việc truy cập hoặc sử dụng các thiết bị Internet.

Nhìn vào sự thâm nhập Internet trong khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có 4 quốc gia có tỷ lệ thâm nhập Internet trên 80%, bao gồm Brunei, Singapore, Thái Lan và Malaysia. Tiếp theo là Việt Nam và Philippines, với tỷ lệ thâm nhập Internet lần lượt là 65,7% và 62%. Trong khi đó Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong khu vực, chỉ có 53,2% trong tổng số 268 triệu dân của nước này có quyền truy cập Internet. Với Campuchia, Lào và Myanmar, tỷ lệ này đều dưới 50%, theo số liệu thống kê tính đến tháng 6/2019 của trang Staticta. 

Mặc dù tỷ lệ thâm nhập Internet gia tăng hàng năm, nhưng nhiều người ở Đông Nam Á vẫn không đủ khả năng kết nối Internet không giới hạn và ổn định. Ngay cả những người có quyền truy cập Internet cũng trải qua một số sự khác biệt trong cơ sở hạ tầng, dẫn đến sự khác biệt về tốc độ Internet ở các khu vực khác nhau. 

Thông thường, người dân ở các trung tâm thành phố có thể được truy cập Internet nhanh hơn đáng kể so với những người sống ở các khu vực kém phát triển. Chẳng hạn, ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, người dân đang sử dụng Internet tốc độ cao lên tới 800 megabyte/giây. Trong khi đó ở Sarawak (Đông Malaysia), tốc độ Internet chậm hơn rất nhiều, thậm chí một số khu vực trong tiểu bang không có quyền truy cập vào dịch vụ Internet.

Do đó, khi nói đến các khóa học trực tuyến, sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục của sinh viên. Gần đây, UNESCO đã lưu ý rằng việc đóng cửa các trường học ở châu Á do COVID-19 đã khiến hàng triệu trẻ em bị tụt hậu trong giáo dục khi các lớp học truyền thống chuyển sang trực tuyến.

Những thách thức trong giảng dạy trực tuyến

Theo trang Theconversation, các chương trình học trực tuyến ở Đông Nam Á hầu như chỉ có sẵn đối với các trường đại học. Ví như ở Indonesia, trong khi các trường đại học có thể sử dụng các khóa học trực tuyến thì đa số các trường ở cấp tiểu học và trung học không có tài nguyên và cơ sở hạ tầng để tiến hành việc giảng dạy trực tuyến, buộc các học sinh phải tự học ở nhà. Ngoài ra, ngay cả khi có thể truy cập Internet, một số thách thức vẫn tồn tại.

Là một khu vực đang phát triển, nhiều học sinh, sinh viên ở Đông Nam Á đến từ các gia đình dễ bị tổn thương về kinh tế. Quyền truy cập vào máy tính những học sinh, sinh viên này bị giới hạn trong các phòng máy tính do nhà trường cung cấp và nhiều người không có quyền truy cập Internet không giới hạn trên các thiết bị di động của mình.

Trong một cuộc khảo sát, một số học sinh, sinh viên ở Đông Malaysia bày tỏ lo ngại rằng khả năng kết nối Internet của họ sẽ không đủ để hỗ trợ cho việc học trực tuyến. Nhiều người lo ngại về chất lượng trải nghiệm học tập, cũng như lo lắng về các khoản phí phải trả cho phần mềm học tập trực tuyến. Trong khi đó, một số học sinh tiểu học và trung học cho biết họ không truy cập Internet, khiến họ không thể tham gia học trực tuyến.

Theconversation cho rằng, các trường học và đại học ở các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có thể phải đối mặt với những thách thức tương tự, hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn khi phải chịu sự phân chia kỹ thuật số sâu sắc hơn.

Theo phân tích của Theconversation, để thiết kế một kế hoạch hành động tốt hơn nhằm đảm bảo tất cả học sinh được chăm sóc tốt nếu một đại dịch khác xảy ra trong tương lai, chính phủ các nước Đông Nam Á cần phải giải quyết một số vấn đề ưu tiên. Những vấn đề này bao gồm đảm bảo cho học sinh, sinh viên trong khu vực có thể truy cập vào các thiết bị phù hợp và kết nối internet ổn định. Một điều nữa là đảm bảo họ có thể phân bổ thời gian để học và làm bài, vì họ không ở trường và sẽ đối mặt với nhiều sao lãng khi ở nhà.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Theconversation & Phys)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á

Nắng nóng cực đoan xảy ra trên nhiều khu vực ở Nam và Đông Nam Á, khiến các trường học trên khắp Philippines phải tạm dừng các lớp học, trong khi cảnh báo nắng nóng được đưa ra ở thủ đô của Thái Lan.

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á
Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Return to top