Học trực tuyến mang lại sự tiện lợi, nhưng cần có sự chuẩn bị kỹ từ phía nhà trường và người học (Ảnh minh họa)
Bị động và khó hiệu quả
Những ngày qua, không khó để bắt gặp những lời than thở của sinh viên với hình thức đào tạo trực tuyến. Trên trang confession của các trường hay thậm chí là bình luận vào các thông báo của nhà trường, người học đều tỏ ra lo lắng với hình thức đào tạo online.
B.K.P, sinh viên một trường thuộc ĐH Huế chia sẻ, trước đây em chưa từng được trải nghiệm hay tập huấn về học online. Tình hình dịch COVID-19 khiến nhà trường cho nghỉ học tập trung, song lại thông báo học trực tuyến mà không có sự chuẩn bị trước vì thế rất khó để làm quen và tiếp cận.
Thực tế, việc triển khai dạy trực tuyến của các trường theo nhiều hình thức khác nhau. Một số đơn vị triển khai dưới dạng chuyển tải tài liệu, bài giảng cho sinh viên tiếp cận rồi giảng viên cùng sinh viên bố trí thời gian để tương tác, trao đổi những thắc mắc trên hệ thống. Một số lớp lại triển khai dưới dạng các lớp học ảo, giảng viên sắp xếp lịch dạy qua hình thức phát trực tiếp (live stream) hoặc một số hình thức tương tự. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên, hình thức trên vướng mắc bởi họ không thể đáp ứng được điều kiện về công nghệ, cơ sở vật chất. “Tụi em đến từ nhiều vùng quê khác nhau của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, có bạn đến từ vùng cao, điều kiện về internet rất khó khăn. Hơn thế, nhiều bạn lại không có laptop. Trong khi đó, giảng viên có thể theo dõi tình hình học tập của sinh viên. Trường hợp người học không đáp ứng được điều kiện, nếu giảng viên điểm danh, đánh giá sinh viên học tập qua hình thức trực tuyến thì thực sự khá bất cập”, H.H. sinh viên Trường ĐH Sư phạm trăn trở.
Sinh viên chia sẻ băn khoăn về đào tạo trực tuyến
Theo nhiều sinh viên, dù thời gian học online mới chỉ khoảng 1 tháng, nhưng phát sinh rất nhiều vấn đề. Đơn cử, việc đọc slide bài giảng của giảng viên gửi không dễ hiểu, trong khi yêu cầu giảng viên vẫn phải nộp bài đầy đủ dẫn đến tình trạng học đối phó và chán nản. T.H.T, sinh viên Trường ĐH Kinh tế lại cho rằng, việc tiếp thu kiến thức không dễ dàng và giảng viên lại ra bài tập khá nhiều, thậm chí có thể kiểm tra, đánh giá qua online là thiếu hợp lý.
Trong khi sinh viên khá bị động thì nhiều giảng viên cũng thừa nhận còn thiếu kinh nghiệm trong hình thức đào tạo trực tuyến. Một giảng viên các trường ĐH tại Huế tâm sự, để giảng dạy trực tuyến hiệu quả cần thời gian chuẩn bị, soạn bài giảng thật kỹ và cần trải nghiệm trước. Với cách dạy như thời gian qua, chỉ là giải pháp tình thế để hạn chế tình trạng sinh viên thiếu động lực học tập do gián đoạn thời gian học quá dài.
ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ phân tích, đối với hình thức đào tạo trực tuyến, nếu không có sự chuẩn bị trước về mọi mặt rất khó hiệu quả. Tình trạng sinh viên ở nhà mở máy tính nhưng không học có thể xảy ra. Hơn thế, một số sinh viên tại nhà chưa có wifi có thể tìm đến các quán cà phê nhưng môi trường quán sá chưa hẳn thích hợp để các em học tốt. Còn theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, việc các trường triển khai dạy trực tuyến thời gian qua là để giải quyết tình hình trước mắt liên quan đến dịch COVID-19, ĐH Huế vẫn đang làm quy chế đào tạo trực tuyến, sắp tới sẽ ban hành. Để đào tạo hiệu quả, cũng phải triển khai nhiều vấn đề.
Rà soát và có phương án phù hợp
Đầu tháng 3/2020, một số trường ĐH tại Huế đã tổ chức giảng dạy tập trung trở lại, trong khi một số trường tiếp tục cho sinh viên nghỉ thêm 1 – 2 tuần. Khi tính hiệu quả trong hình thức đào tạo trực tuyến vừa qua vẫn còn nhiều băn khoăn, rõ ràng cần có những rà soát để có phương án đảm bảo chất lượng khi việc tổ chức học tập trên lớp trở lại bình thường.
Sinh viên đã quen với những lớp học truyền thống
Theo các chuyên gia, việc giảng dạy trực tuyến trong thời gian qua xét toàn diện thì cả giảng viên lẫn sinh viên vẫn chưa sẵn sàng. Trong bối cảnh tính tự học của sinh viên chưa cao thì khả năng giảng dạy trực tuyến vẫn thiếu hiệu quả. Hơn thế, cơ sở vật chất tại trường học, tại nhà của người học chưa đáp ứng, phương pháp đào tạo chưa có những chuẩn chung thực sự thống nhất vì thế nếu bỏ qua hoàn toàn những kiến thức đã dạy trực tuyến thực sự đáng lo ngại, bởi trong đào tạo cần có sự tiếp nối về mặt kiến thức. Do đó, ngoài giảng dạy những học phần bị gián đoạn do thời gian nghỉ, các trường, nhất là giảng viên cần khảo sát, đánh giá lại hiệu quả những học phần, nội dung đã dạy trực tuyến đối với sinh viên để có phương pháp giảng dạy phù hợp, bổ sung kiến thức cho sinh viên nếu cần thiết.
TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho rằng, sinh viên bị động trong việc tự học nên hình thức đào tạo trực tuyến vừa qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Sắp tới, khi sinh viên học tập trung trở lại, giảng viên cũng sẽ dành thời gian để hệ thống lại kiến thức. Kế hoạch đào tạo cũng đã được điều chỉnh để đảm bảo chất lượng.
Bài, ảnh: Hữu Phúc