Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Đình Lượng/TTXVN)
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến "Các đối tác trong hội nhập kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi cho rằng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang mang đến những kinh nghiệm quý báu trong quá trình thúc đẩy kết nối ở Nam Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, hội thảo do báo The Diplomatic Society tổ chức ngày 18/1 với sự tham dự của Tổng Thư ký Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA) Nomvuyo N. Nokwe, đại diện nhiều cơ quan ngoại giao, lãnh sự một số nước tại Nam Phi gồm Ấn Độ, Việt Nam, Sri Lanka, Nepal, nhiều học giả và những người quan tâm từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tác giả cuốn sách mới xuất bản mang tên “Chính trị, kinh tế và kết nối: Tìm kiếm Liên minh Nam Á”, tiến sĩ Srimal Fernando phân tích các mối quan hệ đối tác khu vực cần thiết cho sự tăng trưởng, ổn định và thịnh vượng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm hướng đến sự phát triển đồng đều trong tất cả các lĩnh vực như một điều kiện tiên quyết cho tiến bộ kinh tế bền vững ở Nam Á.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Viện Đối thoại toàn cầu (IGD) thuộc Đại học Nam Phi (Unisa) Philani Mthembu cho rằng với mục tiêu hướng tới sự thống nhất cao hơn, châu Phi cần xây dựng một chiến lược đối tác với châu Á để tạo nền tảng cho sự phát triển, tận dụng vai trò của các cộng đồng kinh tế khu vực cũng như Hiệp định Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) với các hiệp định thương mại tự do và các liên kết đã và đang hình thành tại châu Á.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hoàng Văn Lợi cho rằng với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN đã có nhiều đóng góp trong việc dẫn dắt Đông Nam Á hướng tới tiến bộ và thịnh vượng, đồng thời góp phần tạo dựng quan hệ vì hòa bình và hợp tác với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Ngày nay, ASEAN trở thành thành tố quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác và cấu trúc khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương và thu hút nhiều đối tác, bao gồm tất cả các nước lớn cũng như các tổ chức khu vực và toàn cầu, cam kết cao đối với hòa bình, ổn định và hợp tác trong Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương. Vai trò, vị thế và uy tín của ASEAN ngày càng được nâng cao trong mắt bạn bè và đối tác quốc tế.
Với tiềm năng về quy mô dân số, quy mô nền kinh tế và các khung pháp lý, thỏa thuận đạt được,… làm nền tảng cho sự hợp tác, phát triển, thúc đẩy thương mại tự do và gắn kết khu vực, ASEAN hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới với mức tăng trưởng trung bình hàng năm ước tính đạt 5,2% trong giai đoạn 2016-2020. Các nhà phân tích dự đoán, đến năm 2030, tổng GDP của khối có thể đạt 10.000 tỷ USD và trở thành thị trường lớn thứ 4 trên thế giới.
ASEAN có sự đa dạng về văn minh với nhiều nét riêng biệt. Thông qua việc đưa một khu vực với nhiều xung đột và có tỷ lệ nghèo đói cao nhất hành tinh trong những năm 1960 thành một trong những khu vực hòa bình và thịnh vượng nhất, rõ ràng ASEAN đã mang lại một điều kỳ diệu thực sự.
Là một cộng đồng mở và đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế, ASEAN đã không ngừng nỗ lực mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với các đối tác, bao gồm cả các cường quốc trong và ngoài khu vực. ASEAN đã duy trì chủ nghĩa đa phương, thương mại, tự do hóa và góp phần xây dựng các cơ chế cốt lõi của kiến trúc kinh tế và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Thành công của ASEAN mang lại cho một Nam Á hướng tới sự gắn kết những bài học và kinh nghiệm quý. Thứ nhất, thống nhất trong đa dạng là một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản. Thứ hai, trọng tâm của kết nối và liên kết là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội.
Thứ ba, hòa bình, ổn định, đoàn kết, thống nhất, thịnh vượng và bền vững vì lợi ích của từng thành viên cũng như của toàn khu vực là mục tiêu hàng đầu và nền tảng của khối.Các mục tiêu này phải được đặt trong phạm vi rộng lớn hơn của châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới nói chung.
Thứ tư, Hiệp hội phải đóng vai trò trung tâm trong bất kỳ diễn đàn quốc tế hoặc chương trình nghị sự nào liên quan đến khu vực, đặc biệt là về mọi vấn đề phát triển và an ninh. Hợp tác và đối thoại trong khối hoặc với các nước ngoài khu vực cần dựa trên niềm tin và sự tin cậy lẫn nhau, luật pháp và trật tự quốc tế./.
Theo Vietnam+