Thương mại giữa ASEAn-Hàn Quốc tăng gấp 20 lần sau 30 năm hợp tác. Ảnh minh hoạ: Business Insider
Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc nên áp dụng chiến lược hai hướng để củng cố chỗ đứng trong khu vực bằng cách theo đuổi việc tiếp cận toàn khối ASEAN và phát triển các chiến lược phù hợp với từng quốc gia, vì các quốc gia thành viên ASEAN đều khác nhau về kinh tế, chính trị và văn hóa.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng và Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) hôm qua (24/11), trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của nước này sang ASEAN đạt 80 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu của Hàn Quốc từ các nước Đông Nam Á đạt 47,4 tỷ USD trong cùng thời kỳ, cho thấy Hàn Quốc được hưởng thặng dư thương mại 32,6 tỷ USD.
Các số liệu mới nhất được công bố trước thềm Hội nghị đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN được tổ chức từ hôm nay đến thứ Tư, có ý nghĩa quan trọng khi xuất khẩu của Hàn Quốc sang các quốc gia thành viên ASEAN chỉ đạt khoảng 3,9 tỷ USD vào năm 1989, với mức nhập khẩu 4,1 tỷ USD.
Năm 2018, xuất khẩu kết hợp của Hàn Quốc sang các quốc gia thành viên ASEAN đạt 100 tỷ USD, với thặng dư thương mại đạt 40 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam nổi lên là đối tác xuất khẩu lớn thứ 4 của Hàn Quốc vào năm ngoái, tăng từ thứ 59 hồi năm 1989.
"Các quốc gia thành viên ASEAN đang phát triển với tốc độ nhanh, được coi là những thị trường trẻ và năng động trong tương lai… Để mở rộng thương mại và đầu tư vào ASEAN, Hàn Quốc cần có cách tiếp cận phù hợp với nhu cầu của từng quốc gia và các điều kiện cụ thể", một quan chức của KITA cho biết.
"Năm 2018, thương mại với Việt Nam chiếm 42,7% thương mại giữa Hàn Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN. Đầu tư nước ngoài tập trung cao độ vào Việt Nam và Singapore", ông Hong Joon-pyo, một nhà phân tích cao cấp tại Viện nghiên cứu Hyundai cho biết.
Trên thực tế, các công ty Hàn Quốc đã chuyển chiến lược từ việc xem khu vực này là cơ sở sản xuất sang xu hướng tiến vào các lĩnh vực dịch vụ và phát triển thị trường tiêu dùng địa phương.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết có kế hoạch củng cố khối thương mại khu vực và các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) để tăng cường hợp tác với khu vực.
Bộ công nghiệp Hàn Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy các FTA song phương với các quốc gia như Philippines và Malaysia, sau khi Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Hàn Quốc và Indonesia được ký kết hồi tháng 10. Đồng thời, Hàn Quốc cũng sẽ hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm tới.
Điều này phù hợp với Chính sách miền Nam mới của Tổng thống Moon Jae-in nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với ASEAN, với mục tiêu loại bỏ sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu nâng thương mại song phương với ASEAN lên 200 tỷ USD vào năm 2020.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Yonhap)