ASEAN là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc, điều này cho thấy quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc – ASEAN vẫn rất mạnh mẽ và đầy sức sống, với khả năng phục hồi mạnh mẽ. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+
Kết quả này được thể hiện rõ nhất khi thương mại Trung Quốc – ASEAN đạt tổng cộng 1,84 nghìn tỷ NDT ( tương đương với 274,5 tỷ USD) ghi nhận từ tháng 1 - 4/2022, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Thêm vào đó, vào quý đầu tiên của năm 2022, xuất nhập khẩu của Trung Quốc với ASEAN đạt 1,35 nghìn tỷ NDT, tăng 8,4% so với cùng kỳ 1 năm trước đó và chiếm 14,4% tổng ngoại thương Trung Quốc.
Trước đó, trong 2 tháng đầu năm, ASEAN có phần tụt hậu hơn so với EU khoảng 3 tỷ NDT, tạm thời trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, việc ASEAN vươn mình trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc cho thấy quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc – ASEAN vẫn rất mạnh mẽ và đầy sức sống, khả năng phục hồi mạnh mẽ.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ giải phóng nhiều cổ tức hơn cho thương mại Trung Quốc – ASEAN trong tương lai.
Được biết, lần đầu tiên ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là vào năm 2020, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 13 năm liên tiếp kể từ năm 2009.
Bên cạnh đó, cũng trong 4 tháng đầu năm nay, thương mại nước ngoài của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) đạt 1,73 nghìn tỷ NDT, ghi nhận tỷ lệ tăng hằng năm là 6,8%. Thương mại Trung Quốc – Mỹ đạt tổng cộng 1,56 nghìn NDT, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái và thương mại thiết lập giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đạt 764,92 tỷ NDT, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện tại, số quốc gia mà RCEP chính thức có hiệu lực đã tăng lên đến 12. Từ tháng 1 cho đến tháng 3, xuất nhập khẩu của Trung Quốc đối với các nước thành viên RCEP đạt 2,86 nghìn tỷ NDT, tăng 6,9%, chiếm 30,4% tổng giá trị thương mại nước ngoài của Trung Quốc.
Hành lang Thương mại Biển – Đất liền Quốc tế đã thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ giữa khu vực phía Tây Trung Quốc với các thành viên ASEAN, đảm bảo mạnh mẽ cho sự thông suốt của tiến trình trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai bên.
Đường sắt Trung Quốc – Lào cũng là một kênh hậu cần thuận tiện giữa Trung Quốc và ASEAN. Một số tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã khởi động các chuyến tàu hàng xuyên biên giới bằng tuyến đường sắt.
Trong quý đầu tiên, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng đáng kể đến 3,5 lần. Sự tăng trưởng nhanh chóng trong hoạt động thương mại giữa hai bên là nhờ vào sự phục hồi ổn định của chuỗi công nghiệp khu vực. Theo S&P Global, chỉ số quản lý mua hàng sản xuất của các thành viên ASEAN là 51,7 ghi nhận trong tháng 3/2022, duy trì xu hướng mở rộng, thúc đẩy thương mại của Trung Quốc với ASEAN trong các sản phẩm trung gian để hướng đến phát triển.
Được biết, Trung Quốc đã tích cực mở rộng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ ASEAN. Cụ thể, trong tháng 1 cho đến tháng 3/2022, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc từ ASEAN đạt 46,02 tỷ NDT, tăng 14,1% so với cùng kỳ của 1 năm trước đó, chiếm 13,7% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của cả nước. Trong đó, nhập khẩu các sản phẩm thủy sản, trái cây và các loại hạt từ ASEAN lần lượt tăng 26,2% và 17,3%.
Nhìn chung, Trung Quốc và ASEAN là những đối tác thương mại quan trọng, với sự bổ sung kinh tế mạnh mẽ và dư địa hợp tác rộng rãi. Với đà này, thương mại song phương sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tốt trong tương lai.
Đan Lê (Tổng hợp và lược dịch từ Khmer Times & Global Times)