Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất chất bán dẫn. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cụ thể, Thái Lan, Việt Nam và 3 nền kinh tế lớn khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã báo cáo xuất khẩu trong tháng 6 năm nay vượt quá các con số được ghi nhận vào tháng 6/2019.
Ông Wong Siew Hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia cho rằng: “Nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh mẽ. Chúng tôi đang cố gắng sản xuất càng nhiều càng tốt để đáp ứng các đơn đặt hàng của khách hàng".
Đáng chú ý, khoảng 7% thương mại chất bán dẫn trên toàn thế giới đi qua Malaysia. Ngay cả trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng COVID-19, đơn đặt hàng đối với các sản phẩm bán dẫn vẫn chưa bao giờ giảm. Trong tháng 6 vừa qua, Malaysia đã xuất khẩu 105,4 tỷ ringgit (tương đương 24,8 tỷ USD), tăng 27% so với một năm trước đó.
Theo Chính phủ Malaysia, đóng góp vào sự mở rộng của xuất khẩu là nhu cầu mạnh mẽ đối với các vi mạch tích hợp được sử dụng trong điện thoại thông minh, ô tô và các thiết bị gia dụng. Ngoài ra, các sản phẩm cao su và dầu mỏ cũng tăng gấp đôi lượng xuất khẩu so với một năm trước đó. Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục về giá trị.
Tiếp đó, các mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan cũng tăng trưởng nhanh chóng. Ô tô và phụ tùng ô tô đã tăng 79% trong tháng 6 so với một năm trước đó, trong khi máy vi tính và các bộ phận máy vi tính tăng 22%. Xuất khẩu nói chung tăng 44%, đánh dấu tốc độ nhanh nhất trong 11 năm qua.
Xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều tăng hơn 40%. Sự phục hồi kinh tế ở các đối tác thương mại này đã mở rộng sang nền kinh tế Thái Lan.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ, phần lớn là nhờ các sản phẩm điện thoại thông minh do Samsung Electronics của Hàn Quốc sản xuất, chiếm khoảng 20%tổng sản lượng.
Hồi năm 2020, xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á đã phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề do những biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đối với các hoạt động kinh tế, cũng như sự lây lan của đại dịch ở các nền kinh tế tiên tiến.
Tuy nhiên, các lô hàng đã bắt đầu phục hồi kể từ đầu năm nay. Malaysia ghi nhận xuất khẩu kỷ lục trong tháng 4, trong khi các nền kinh tế lớn khác trong khu vực cũng đã vượt mức trước đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ tháng 4 - 6.
Bên cạnh đó, theo báo cáo triển vọng mới nhất do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 27/7, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 7% và nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở rộng 8,1% vào năm 2021. Nhu cầu ở nước ngoài được dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy sự gia tăng về xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại gần đây của các ca nhiễm COVID-19 trong khu vực này đe doạ đến sản xuất công nghiệp, điều này sẽ làm giảm xuất khẩu.
Cũng trong ngày 27/7, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng đối với 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam), giảm 0,6 điểm xuống còn 4,3% trong năm nay.
Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asia)