|
Nhu cầu du lịch nội khối của người dân Đông Nam Á vẫn nhiều hứa hẹn. Ảnh: Shutterstock |
Bà Jacquelyn Tan, Giám đốc Dịch vụ tài chính cá nhân của UOB cho rằng, sự gia tăng chung về du lịch công tác và các cuộc hội họp, hội nghị và triển lãm trên khắp khu vực cũng góp phần làm tăng nhu cầu du lịch trong các nước ASEAN.
Ngoài ra, một động lực khác cần đề cập đến là sự gia tăng của các dịch vụ liên quan đến trải nghiệm và giải trí trên khắp Đông Nam Á, khi người tiêu dùng trong khu vực bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm như nghỉ dưỡng, giải trí và các lễ hội ẩm thực… hơn là các mặt hàng vật chất.
Trích dẫn dữ liệu từ tập đoàn dịch vụ thẻ thanh toán đa quốc gia, UOB cho biết du khách Singapore đang chi tiêu lớn ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia, và chi tiêu của họ trong ASEAN đã tăng gấp đôi so với ngoài khu vực, trong đó chi tiêu cho các dịch vụ lưu trú và mua sắm ghi nhận sự gia tăng mạnh.
Về mua sắm, người tiêu dùng Singapore cũng chi tiêu nhiều hơn so với các nước trong khu vực - đặc biệt là đối với hàng may mặc và tại các cửa hàng bách hóa. “Điều này có thể là do nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ tăng cao khi ở nước ngoài, được hỗ trợ bởi đồng đô la Singapore (SGD) mạnh lên, bên cạnh các ưu đãi thuế tiềm năng”, bà Tan lý giải.
Chi tiêu du lịch sẽ ổn định
Trong khi chi tiêu liên quan đến du lịch đang tăng lên, nhưng các dấu hiệu điều chỉnh cũng đã bắt đầu xuất hiện, với nguyên nhân được cho là do nhu cầu du lịch bị dồn nén đã dần giảm bớt.
So với số liệu năm 2019, chi tiêu liên quan đến du lịch được UOB ghi nhận tăng 1% vào năm 2022, tăng 92% vào năm 2023 và ước tính sẽ tăng 126% trong năm nay. Các con số này khá lạc quan so với số liệu trước đại dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại.
Tăng trưởng theo năm đã giảm dần từ 242% vào năm 2022 xuống 91% vào năm 2023 và dự báo là 17% vào năm 2024.
Theo dự báo của UOB, chi tiêu liên quan đến du lịch có khả năng sẽ ổn định trong những năm tới, nhưng người tiêu dùng ASEAN sẽ chi tiêu cao hơn khi du lịch nước ngoài so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19.
Với Việt Nam, UOB cho biết Malaysia đã trở thành thị trường khách nhiều tiềm năng cho du lịch Việt Nam, với sự tăng trưởng ổn định về cả số lượng du khách và chi tiêu. Theo đó, để thu hút khách du lịch Malaysia, cần phải cung cấp nhiều gói dịch vụ ngắn hạn, đồng thời vẫn đảm bảo việc tiếp cận dễ dàng cho du khách.