Thế giới

Australia-Nhật Bản hướng tới vai trò dẫn dắt khu vực, bàn về Biển Đông

ClockThứ Sáu, 10/07/2020 14:47
Hôm 9/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Nhật Bản Abe Shinzo đã có cuộc hội đàm trực tuyến. Tuy vậy, khác với các cuộc họp thông thường của các nhà lãnh đạo châu Á, trong cuộc họp này, hai nhà lãnh đạo không thảo luận nhiều về các vấn đề song phương mà tập trung vào các vấn đề đang nổi lên và được khu vực quan tâm.

LHQ kêu gọi cộng đồng đoàn kết chống khủng bố trong bối cảnh dịch bệnhĐức: Doanh số bán xe ô tô giảm 40%, thấp nhất kể từ năm 1989Vấn đề Biển Đông: Nhấn mạnh phải tuân thủ công ước UNCLOSMoody’s: ASEAN-5 đối mặt với nguy cơ suy thoái gia tăngTổng thống Putin: Kinh tế Nga chưa hoạt động đầy đủ trở lại

Thủ tướng Australia Scott Morrison (bên trái) hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tối 9/7. Ảnh: The Australia

Cuộc hội đàm trực tuyến tối 9/7 là một trong những minh chứng cho thấy Australia và Nhật Bản đang ngày càng thể hiện rõ mong muốn trở thành những yếu tố dẫn dắt khu vực. Thay vì thảo luận về các vấn đề song phương như thông lệ các cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Á, Thủ tướng Australia và Nhật Bản lại dành nhiều sự quan tâm cho các vấn đề khu vực và sự phối hợp của hai nước trong các vấn đề này.

Trong bối cảnh Covid-19 đang là mối quan tâm lớn nhất của tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới, vấn đề này cũng là nội dung bao trùm được Thủ tướng Australia và Nhật Bản thảo luận trong cuộc họp tuyến vào tối qua.

Điều toát lên trong cuộc họp này chính là việc thúc đẩy hợp tác và các nỗ lực quốc tế để đối phó với dịch bệnh. Trong đó, cả Australia và Nhật Bản đều thể hiện là hai quốc gia sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia láng giềng đối phó với thách thức lớn chưa từng có.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã khẳng định sự đoàn kết quốc tế và hợp tác thông qua các cơ chế hợp tác đa phương như G20, Cấp cao Đông Á, APEC, Liên Hợp Quốc, WHO và OECD cũng như các tổ chức tài chính là cách thức hiệu quả để “đánh bại virus” gây ra bệnh Covid-19 và hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định sự ủng hộ đối với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là các quốc gia láng giềng tại Thái Bình Dương và Đông Nam Á quản lý các tác động của Covid-19, đảm bảo an ninh y tế cũng như hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, và phát triển bền vững.

Ngoài vấn chủ đề nóng là COVID-19 hai nhà lãnh đạo Australia và Nhật Bản cũng thể hiện rõ quan điểm đối với các thỏa thuận kinh tế thương mại khu vực khi khẳng định, trong năm nay, hai nước sẽ ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và xác nhận cam kết trong việc mở rộng thị trường tự do trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua việc mở rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sẽ là thiếu sót nếu muốn dẫn dắt khu vực mà bỏ qua các cơ chế đa phương đang ngày càng khẳng định tiếng nói trong khu vực là ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á.

Tại cuộc họp, hai nhà lãnh đạo Australia và Nhật Bản, cho biết hai nước đều đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với ASEAN, cơ chế mà hai quốc gia khẳng định có vai trò trung tâm trong khu vực. Hội nghị cấp cao Đông Á cũng được hai nhà lãnh đạo Australia và Nhật Bản nhấn mạnh là diễn đàn hàng đầu trong khu vực để thảo luận về các vấn đề chiến lược. Australia và Nhật Bản mong muốn Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ đóng vai trò trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Australia và Nhật Bản nhiều lần bày tỏ sự phản đối trước các hành động phi pháp và hiếu chiến ở Biển Đông và biển Hoa Đông, vấn đề được nhiều quốc gia trong khu vực quan tâm.

Hôm qua (9/7), chủ đề này tiếp tục được hai nhà lãnh đạo thảo luận nhằm nhấn mạnh quan điểm coi luật pháp quốc tế là nền tảng trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Australia và Nhật Bản tái khẳng định phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động cưỡng chế và đơn phương làm thay đổi hiện trạng hoặc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến tiêu cực gần đây ở Biển Đông, bao gồm việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể bị bồi đắp trái phép, sử dụng tàu công vụ cưỡng ép tàu cá cũng như những nỗ lực phá hoại hoạt động khai thác tài nguyên của quốc gia khác.

Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định quyền tự do hàng hải và trên không ở khu vực Biển Đông cần phải được tôn trọng và mọi tranh chấp cần được giải quyết một các hòa bình, theo luật pháp quốc tế như được đề cập trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Thủ tướng Australia và Thủ tướng Nhật Bản cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng hoàn toàn các quy trình pháp lý và ngoại giao đồng thời lưu ý, các phán quyết pháp lý có tính chất ràng buộc cần phải được các bên tuân thủ, tránh việc diễn giải một cách tùy tiện, đặc biệt là phán quyết của Trọng tài quốc tế về Biển Đông. Lãnh đạo hai nước cũng kêu gọi Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Ngoài các vấn đề cụ thể đang thu hút sự quan tâm của khu vực, Thủ tướng Australia và Nhật Bản cũng đề cập cơ chế Ấn Độ-Thái Bình Dương mà hai nước đang dày công vun đắp. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, bao trùm và thịnh vượng; khẳng định cam kết ủng hộ cơ chế Bộ tứ giữa Nhật Bản-Australia-Ấn Độ và Mỹ và mong muốn các nước làm sâu rộng hơn hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh thông qua các cơ chế phù hợp, trong đó có cuộc họp Bộ trưởng quốc phòng ba bên.

Việc đưa các vấn đề khu vực làm nội dung chính trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo là việc thường thấy ở Liên minh châu Âu và trong khuôn khổ các cơ chế đa phương hàng đầu thế giới như G7, G20 khi các nhà lãnh đạo quốc gia cùng ngồi lại để bàn cách dẫn dắt khu vực và thế giới.

Với châu Á, ngoài các cơ chế đa phương đang có như ASEAN, Cấp cao Đông Á hay APEC... việc hai nhà lãnh đạo Australia và Nhật Bản cùng ngồi lại để thảo luận về các vấn đề khu vực không phải là vấn đề thường thấy. Nó thể hiện Australia và Nhật Bản không chỉ quan tâm tới quan hệ song phương mà tầm nhìn của hai nước đang mở rộng ra toàn khu vực mà ở đó hai nước tìm được tiếng nói chung và đang muốn cùng nhau thực hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy hợp tác. Thực tế này cũng cho thấy, Australia và Nhật Bản đang thoát ra khỏi cái bóng của đồng minh Mỹ để chủ động khẳng định vị thế và vai trò trong khu vực.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top