Người dân Ba Lan tuần hành tại thủ đô Warsaw, Ba Lan để ủng hộ người di cư vào tháng 9/2015 (Ảnh: Getty)
Tuyên bố trên được ông Konrad Szymanski, người sắp nhậm chức bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu trong nội các mới của Ba Lan, đưa ra ngày 14/11.
Ông Szymanski cho biết chính phủ Ba Lan sẽ không tuân thủ các cam kết mà chính phủ tiền nhiệm đưa ra trước đó trong việc tiếp nhận số người di cư do EU phân bổ.
Trong bài bình luận công bố trên trang tin wPolityce.pl, ông Szymanski cho hay: “Trước khi vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra tại Paris, chúng tôi không thấy có động cơ chính trị nào để thực hiện việc tiếp nhận người di cư”.
Trong một bài bình luận khác với đài RMF, ông Szymanski phân tích thêm rằng: “Quyết định phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư của EU có hiệu lực với tất cả các quốc gia thành viên, nhưng thực thi lúc này là rất khó…Chúng tôi sẽ đợi quyết định từ Tòa án Công lý EU, sự phản ứng của Brussels”.
Trước đó vào tháng 9 năm nay, chính quyền Ba Lan lúc đó đã ủng hộ kế hoạch của EU trong việc phân bổ hạn ngạch tổng cộng 120.000 người di cư cho 28 nước thành viên EU. Theo kế hoạch này, Ba Lan cam kết sẽ tiếp nhận 4.500 người nhập cư.
Ông Szymanski sẽ nhậm chức bộ trưởng vào thứ 2 tuần tới, một phần trong nội các mới do đảng Luật pháp và Công lý (PiS), một đảng bảo thủ tại Ba Lan, thành lập. Đảng PiS đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 10 vừa qua. Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu là vấn đề then chốt trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng PiS, vốn chỉ trích quyết định của chính phủ Ba Lan trong việc tiếp nhận người di cư.
Loạt xả súng và đánh bom đẫm máu tại thủ đô Paris được xem là vụ khủng bố đẫm máu nhất từ Thế chiến thế giới thứ II tại Pháp. Tổng thống Hollande tuyên bố Pháp sẽ tấn công IS không khoan nhượng trên mọi lãnh thổ và ông sẽ triệu tập phiên họp với lưỡng viện quốc hội Pháp vào ngày 16/11.
Vũ Duy (Theo Dân trí)