Theo Reuters, Thái Lan đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Trong một nỗ lực nhằm duy trì mực nước trong các đập cấp nước phục vụ nông nghiệp tại các tỉnh nông thôn và nước sạch tại thủ đô Bangkok, Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu người dân tạm dừng trồng lúa kể từ tháng 10/2014.
|
Khung cảnh thủ đô Bangjkok (Ảnh Reuters) |
Bất chấp những biện pháp nói trên, mực nước tại 3 đập dự trữ nước chính tại Thái Lan chảy qua sông Chao Phraya vẫn ở mức rất thấp.
Ông Thanasak Watanathana, người đứng đầu Cơ quan Quản lý nước Đô thị, cho biết, trữ lượng nước trong 3 đập này chỉ là 5 tỷ m3 vào tháng 11/2014, thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm là 8 tỷ m3.
Tuy nhiên, theo Sở Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan, đến ngày 6/7, trữ lượng nước tại 3 đập này chỉ còn 660 triệu m3.
“Hiện lượng nước này chỉ đủ dùng để cung cấp cho người dân trong vòng 30 ngày tới”, ông Thanasak nói.
Thông thường, lượng nước mưa và nước dự trữ trong các đập sẽ ngăn chặn nước biển tại Vịnh Thái Lan không xâm nhập vào đất liền. Tuy nhiên, do hạn hán, nước biển đã đổ ngược vào sông Chao Phraya. Nước mặn có thể hủy hoại mùa màng và đe dọa đến các trạm bơm nước tại Thái Lan nằm cách Vịnh Thái Lan khoảng 100km.
Các nhà máy nước tại Bangkok có khả năng sản xuất 5,2 triệu m3 nước/ngày cho 2,2 triệu người dân ở thủ đô. Tuy nhiên, các nhà máy nước này không có khả năng xử lý nước mặn.
“Trong những ngày nước biển dâng, chúng tôi không thể hút nước từ sông Chao Phraya. Chúng tôi phải dùng nước dự trữ từ Cơ quan Quản lý nước Đô thị”, ông Thanasak nói.
Cơ quan Quản lý nước Đô thị đã yêu cầu người dân Thái Lan dự trữ khoảng 60l nước/ngày trong trường hợp bị thiếu nước. Cơ quan này cũng yêu cầu người dân tiết kiệm nước hơn nhưng lời kêu gọi này không mấy được hưởng ứng bởi theo ông Thanasak, người dân chỉ phải trả có 0,25 USD/m3 nước.
“Số tiền này quá rẻ nên không ai nghĩ đến chuyện tiết kiệm nước. Giá nước này đã được duy trì từ năm 1999. Có lẽ, Bangkok là đô thị lớn duy nhất trên thế giới có mức giá nước rẻ như vậy”, ông Thanasak nhận định.
Cơ quan Quản lý nước Đô thị dự định sẽ đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD trong vòng 7 năm tới để tăng khả năng sản xuất cũng như trữ nước. Cơ quan này cũng bắt đầu tính đến việc dự đoán nhu cầu sử dụng nước của người dân trong vòng 30 năm tới và xác định các nguồn nước cần được bảo vệ để tránh bị nhiễm mặn.
Theo ông Thanasak, việc dự trữ nước mưa trên quy mô lớn được cho là một giải pháp khả thi bởi từ trước đến nay, toàn bộ số nước mưa ở Bangkok đều chảy thẳng ra biển gây lãng phí.
“Ngoài ra, chúng tôi còn gặp phải lũ lụt hàng năm và chúng tôi cũng lãng phí nguồn nước này khi để nước chảy thằng ra biển. Chính vì vậy, chúng tôi đang tính cách giải quyết vấn đề nói trên trong mùa khô”, ông Thanasak nói thêm.