Thế giới

Bảo tàng Bom nguyên tử ở Nhật Bản: Lời cảnh tỉnh từ Nagasaki

ClockThứ Bảy, 06/08/2022 14:59
Những gì được lưu giữ Bảo tàng Bom nguyên tử Nagasaki trở thành một lời cảnh tỉnh với thế giới, đồng thời nhắc nhở cộng đồng phải luôn đề cao cảnh giác trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến hạt nhân.

Nhật Bản tưởng niệm 74 năm ngày Mỹ ném bom xuống HiroshimaNhật Bản phân tích ADN của nạn nhân vụ bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki

Những gì còn sót lại của Nhà thờ lớn Urakami sau thảm kịch được trưng bày tại Bảo tàng Bom Nguyên tử Nagasaki. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Bảo tàng Bom nguyên tử Nagasaki nằm trên một quả đồi nhỏ ở phía Bắc thành phố Nagasaki (Nhật Bản).

Đây là nơi lưu giữ những bằng chứng và tài liệu về hậu quả khủng khiếp của quả bom nguyên tử “Fat Man” mà quân đội Mỹ đã ném xuống thành phố này tháng 8/1945.

Những gì được lưu giữ trở thành một lời cảnh tỉnh với thế giới, đồng thời nhắc nhở cộng đồng quốc tế phải luôn đề cao cảnh giác trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến hạt nhân.

Vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, Không quân Mỹ đã liên tiếp ném hai quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima (ngày 6/8) và Nagasaki (ngày 9/8), làm tổng cộng hơn 214.000 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là dân thường.

77 năm đã trôi qua, nhưng hậu quả khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử này vẫn còn hiệu hữu.

Với đương lượng nổ tương đương 15.000 tấn TNT, quả bom uranium mang biệt danh “Little Boy” ném xuống Hiroshima đã san bằng và thiêu rụi khoảng 70% tòa nhà ở thành phố này và cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người (tính tới cuối năm 1945).

Ba ngày sau, Mỹ tiếp tục ném quả bom plutonium “Fat Man” xuống Nagasaki.

Với nhiệt độ ở khu vực trung tâm lên tới 4.000 độ C, “Fat Man” đã san bằng và thiêu rụi diện tích rộng 6,7km2, khiến khoảng 74.000 người chết (tính tới cuối năm 1945).

Chia sẻ về những ký ức đau buồn đó, bà Sakue Shimohira, một trong những người còn sống sót sau thảm họa bom nguyên tử ở Nagasaki, hồi tưởng: “Cuộc chiến ở Thái Bình Dương nổ ra vào tháng 12/1941, khi tôi mới 6 tuổi, và kết thúc khi tôi lên 10… Vào ngày 9/8/1945 không thể nào quên đó, còi báo động của cuộc không kích bắt đầu vang lên từ sáng sớm, và lũ trẻ chúng tôi vội vã chạy đến cái hầm thông thường của mình, cách tâm chấn của vụ nổ khoảng 800m."

“Fat Man” phát nổ, bà Shimohira đã thực sự bị sốc khi nhìn thấy hầm trú bom đầy người với cơ thể bị cháy đen; người bị rách da thịt và đầy máu; có người nhãn cầu bị bung ra khỏi hốc mắt; người bị bỏng với cơ thể sưng tấy. Mọi người ở khắp mọi nơi đều kêu than: "Hãy cho tôi một ít nước, hãy giúp tôi!"

Khi được cứu khỏi căn hầm, bà Shimohira lại một lần nữa bị sốc khi chứng kiến không có một ngôi nhà nào đứng vững sau trận bom, thay vào đó là một núi xác chết cháy đen và những đống đổ nát.

Nhờ sự giúp đỡ của người quen, cô bé Shimohira khi đó đã chuyển về sống ở vùng nông thôn.

Bà nhớ lại: “Đó là một sự tồn tại mà không có điện hay thức ăn. Tất cả những gì còn lại là những bộ xương trắng. Có thể nhìn thấy những tia sáng lân tinh yếu ớt vào buổi tối phát ra từ xương của người chết. Những người cố gắng sống sót đã không thể sống hay chết đi theo một cách nhân đạo khi buộc phải chống chọi với một căn bệnh hoàn toàn không được biết đến.”

Em gái bà, bị nghèo đói và bệnh tật hành hạ, cuối cùng đã chọn kết liễu đời mình bằng cách nhảy vào gầm tàu hỏa.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 5-6 năm sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu trong những người sống sót tăng đáng kể.

Sau khoảng một thập niên, những người sống sót bắt đầu bị ung thư tuyến giáp, ung thư vú và các bệnh ung thư khác với tỷ lệ cao hơn bình thường.

Những phụ nữ mang thai tiếp xúc với phóng xạ có tỷ lệ sảy thai cao hơn; con cái họ có nguy cơ bị thiểu năng trí tuệ, suy giảm khả năng tăng trưởng và mắc bệnh ung thư cao hơn so với những đứa trẻ khác.

Đối với tất cả những người sống sót, các bệnh ung thư do tiếp xúc với bức xạ vẫn tiếp tục gia tăng trong suốt cuộc đời.

Bảo tàng Bom nguyên tử Nagasaki mang lại cho người xem những cảm nhận chân thực về sự tàn khốc của chiến tranh, sức tàn phá và hậu quả khủng khiếp mà quả bom “Fat Man” đã gây ra và những nỗi đau mà người dân thành phố này, trong đó có bà Sakue Shimohira, phải hứng chịu.

Dẫu những nhân chứng còn sót lại như bà Sakue Shimohira không còn nhiều, nhưng tại bảo tàng, những ký ức kinh hoàng về chiến tranh vẫn đang được lưu giữ, như lời nhắc nhở rằng hãy dừng ngay những cuộc chiến vô nghĩa và hãy chung tay loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giám đốc Bảo tàng, bà Keiko Shinozaki, cho biết tại đây trưng bày các hình ảnh, đồ vật và chứng tích còn sót lại sau thảm họa này, cùng những hình ảnh câu chuyện của chính những nạn nhân đã chứng kiến tận mắt thời điểm bom nguyên tử ném xuống.

Bà tâm sự: “Thông qua những hình ảnh và câu chuyện đó, chúng tôi muốn gửi tới người dân trên khắp thế giới một thông điệp rằng các bạn hãy tới tận nơi thăm bảo tàng của chúng tôi để hiểu rõ về hậu quả mà bom nguyên tử gây ra. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong muốn một thế giới hòa bình và không có bom nguyên tử.”

Ngay khi bước chân vào bảo tàng, khách tham quan sẽ nhìn thấy một tháp nước từng nằm trong Trường Trung học cơ sở Keiho, chỉ cách tâm nổ của quả bom 800m, bị hư hại do sức tàn phá của “Fat Man.”

Nhiều hiện vật gây xúc động như một chiếc mũ sắt bị méo mó vì sức nóng khủng khiếp lên tới 40.000 độ C từ quả bom nguyên tử phát ra, những bộ quần áo bị cháy xém, các đồ chơi bị hỏng và một chiếc đồng hồ ngừng chạy ngay khoảnh khắc quả bom được thả xuống.

Đặc biệt, khách tham quan không khỏi xúc động và xót xa khi chứng kiến hình ảnh những khuôn mặt đen đúa của những người sống sót trong trang phục rách nát lê lết đi tìm nước uống một vài giờ sau khi “Fat Man” phát nổ.

Một hiện vật khác thu hút sự chú ý là mô hình quả bom nguyên tử “Fat Man,” với chiều dài hơn 3m, đường kính 1,5m và trọng lượng 4,63 tấn, đã cướp đi sinh mạng của 1/3 cư dân Nagasaki.

Bày tỏ xúc động khi lần đầu tiên tới thăm bảo tàng, bạn Đinh Thùy Trang, một người Việt đang sống ở Fukuoka, bộc bạch:“Em cảm thấy thương xót và bàng hoàng về tác hại mà bom nguyên tử gây ra cho tỉnh Nagasaki và người dân nơi đây. Em mong rằng từ giờ trở đi, thế giới sẽ luôn trong hòa bình và không bao giờ có thảm họa bom nguyên tử nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu.”

Chỉ mất khoảng 10 giây để quả cầu lửa từ một quả bom nguyên tử phát nổ đạt kích thước tối đa, nhưng những hậu quả kinh hoàng của một vụ nổ như vậy sẽ kéo dài nhiều thập niên và qua nhiều thế hệ.

Vì vậy, thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại trước những cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân do "sự đứt gãy các kênh liên lạc" và những tính toán sai lầm của các cường quốc.

Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres đã hối thúc thế giới đạt được tiến bộ trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Phát biểu trước khi tới Hiroshima dự lễ tưởng niệm hòa bình đánh dấu 77 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này, ông Guterres nhấn mạnh: "Thế giới cần rút ra bài học về thảm kịch kinh hoàng và thảm khốc ở Hiroshima và Nagasaki.”

Tại hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đang diễn ra ở New York, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, một người xuất thân từ Hiroshima, cho rằng con đường tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân ngày càng trở nên gập ghềnh do sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.

Ông nhấn mạnh cần phải hướng tới mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân với xuất phát điểm chính là NPT.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất “Kế hoạch Hành động Hiroshima” gồm 5 điểm, trong đó kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ tầm quan trọng của việc không sử dụng vũ khí hạt nhân, hướng tới mục tiêu không có sự đe dọa nào, chứ đừng nói tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Kishida nhấn mạnh Nagasaki phải trở thành thành phố cuối cùng trên thế giới bị tàn phá bởi vũ khí hạt nhân.

Nhằm thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản kêu gọi sự tham gia có trách nhiệm của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Từ góc độ này, Nhật Bản ủng hộ đối thoại giữa Mỹ và Nga, Mỹ và Trung Quốc về giảm trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Để tạo đà thúc đẩy Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Nhật Bản sẽ phối hợp với Liên Hiệp quốc tổ chức hội nghị “Những người bạn của CTBT” ở cấp thượng đỉnh vào tháng Chín tới.

Kế hoạch hành động cũng kêu gọi đảm bảo không phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Nhật Bản sẽ đóng góp 10 triệu USD để lập “Quỹ các lãnh đạo trẻ phi hạt nhân,” mời giới trẻ và các nhà lãnh đạo tương lai đến Nhật Bản để tìm hiểu thực tế về hậu quả thảm khốc của bom nguyên tử, qua đó tạo nên một mạng lưới những người trẻ toàn cầu hướng tới xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Nhiều người hy vọng với những nỗ lực của Nhật Bản, cộng đồng quốc tế sẽ hiểu rõ hơn về hậu quả khôn lường mà bom nguyên tử gây ra, từ đó chung tay hành động để sớm đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân./.

Theo Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh
Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng

Một chiếc thuyền độc mộc được nhóm thợ lặn tìm thấy và trục vớt ở lưu vực sông Bồ. Chiếc thuyền này sau đó đã được nhóm người này quyết định tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để nghiên cứu, phát huy giá trị.

Vinh danh người tặng hiện vật cho bảo tàng
Return to top