Người ủng hộ Tổng thống Trump giơ các biểu ngữ khi đoàn xe đưa ông Trump đi ngang qua ở West Palm Beach, “bang chiến trường” Florida hôm 30/11. Ảnh: Reuters
Thậm chí tỉ phú Bloomberg trong tuần qua còn quyết định nhảy vào cuộc đua vì không tin rằng các ứng cử viên của Đảng Dân chủ hiện nay có đủ khả năng lật đổ ông Trump trong cuộc bầu cử tới.
Vẫn được lòng cử tri lao động
Chỉ còn 2 tháng nữa là mùa bầu cử tổng thống Mỹ sẽ khởi động với các cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang. Trong khi một số cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Tổng thống Trump đứng sau một số ứng cử viên tổng thống 2020 của Đảng Dân chủ, nhưng ngược lại nhiều nhà quan sát chính trị lại cho rằng ông Trump có nhiều khả năng sẽ thắng cử.
Theo các cuộc thăm dò dư luận, những rắc rối mà ông Trump đang gặp phải dường như không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của những cử tri đã bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử năm 2016. Cách hành xử và những quyết định trong các vấn đề nhập cư hay đối ngoại nhiều khi gây tranh cãi và hứng chịu chỉ trích, nhưng lại tìm thấy sự đồng điệu trong các cử tri này.
Theo kết quả cuộc điều tra của báo New York Times, đại đa số cử tri tại các bang "chiến trường" (các bang thường có kết quả bầu cử sít sao và có ý nghĩa quyết định đến kết quả cuối cùng), những cử tri bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016 đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện giữa kỳ năm 2018 nhằm tạo thế "cân bằng quyền lực" giữa hai đảng.
Nhưng theo New York Times, những cử tri này sẽ quay lại bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Thậm chí nhiều cử tri không thích tính cách và tính khí của ông Trump nhưng lại ấn tượng và ủng hộ những phát biểu và hành động cứng rắn, gây tranh cãi của ông trong các vấn đề việc làm và nhập cư.
Như một cử tri trong cuộc điều tra của New York Times đã trả lời rằng ông Trump không phải là người "để kết bạn", nhưng là một "tổng thống tốt" vì "đã làm trong khi những chính trị gia khác chỉ nói".
Lợi thế lớn nhất của ông Trump đến lúc này là kinh tế Mỹ vẫn đang phát triển vững chắc, các phát biểu cũng như những hành động cứng rắn của ông về việc "mang việc làm quay lại nước Mỹ" nhờ đó vẫn có sức thu hút lớn với đại bộ phận cử tri Mỹ vốn thuộc tầng lớp lao động.
Đối thủ chưa xứng tầm
Dù Đảng Dân chủ hiện có đến gần 20 ứng cử viên từ mọi thành phần và mọi lứa tuổi khác nhau có khả năng được chọn để ra đối đầu với Tổng thống Trump, nhưng đến nay đảng này vẫn thiếu một gương mặt sáng giá, nổi bật như ông Clinton hoặc ông Obama trước đây để được cho là có đủ khả năng đánh bại ông Trump.
Tỉ phú Bloomberg, mặc dù có thể xuất phát từ động cơ chính trị để giải thích cho quyết định ra tranh cử vào phút cuối của mình, nhưng phần nào chính xác khi nói rằng ông không thấy ứng cử viên Đảng Dân chủ nào hiện nay có khả năng đánh bại được ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Lý do cho việc này không hẳn hoàn toàn vì các ứng cử viên của Đảng Dân chủ không "xứng tầm", mà còn bởi Đảng Dân chủ hiện nay bị chia rẽ sâu sắc giữa thiên hướng cực tả và thiên hướng ôn hòa. Với sự chia rẽ như vậy, khó có ứng cử viên nào có thể tập hợp được sự ủng hộ từ cả hai phía trong đảng, chưa nói đến vươn ra ngoài thu hút sự ủng hộ của các cử tri khác.
Điều này đã khiến cựu tổng thống Obama dù cho đến nay rất cố gắng tránh các bình luận có thể ảnh hưởng đến cuộc đua nội bộ của Đảng Dân chủ cũng đã phải phá lệ lên tiếng cảnh báo "người dân Mỹ không muốn xóa bỏ toàn bộ hệ thống", ám chỉ xu hướng ngày càng thiên tả của các ứng cử viên Đảng Dân chủ sẽ khó thu hút được tầng lớp có quan điểm trung hòa vốn chiếm đa số trong các cử tri Mỹ.
Cho đến nay, chưa có một thách thức thật sự nào đe dọa đến khả năng thắng cử của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử 2020. Nhưng còn gần một năm nữa mới đến ngày bầu cử, quãng thời gian đủ để cho một ứng cử viên Đảng Dân chủ có thể bứt phá, đối đầu sòng phẳng với ông Trump.
Nhưng không phải bất bại
Lịch sử nước Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay cho thấy mặc dù có những lợi thế nhất định, không phải tổng thống đương nhiệm nào cũng đảm bảo sẽ tái thắng cử. Bài học của Đảng Dân chủ với tổng thống Carter năm 1980 và của Đảng Cộng hòa với tổng thống Bush (cha) năm 1992 vẫn còn đó.
Nhìn lại quá khứ, có hai lý do chính có thể làm đảo ngược những lợi thế của một tổng thống đương nhiệm. Thứ nhất là một cuộc khủng hoảng lớn xảy ra và chôn vùi theo đó những lợi thế của người đương nhiệm. Đây là điều đã xảy ra với ông Carter, khi chiến dịch tranh cử của ông bị phủ bóng đen bởi thất bại của ông trong việc xử lý cuộc khủng hoảng con tin ở Iran.
Hai là đổ vỡ về kinh tế vì xét cho cùng, các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, thu nhập, việc làm... vẫn là những vấn đề liên quan trực tiếp nhất, quyết định đến lá phiếu cử tri. Cựu tổng thống Bush (cha), bất chấp những vinh quang sau thắng lợi trong cuộc chiến vùng Vịnh, vẫn phải thúc thủ trước ứng cử viên Bill Clinton của Đảng Dân chủ trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy sụp đầu những năm 1990.
Theo Tuoitre