|
Khoảng 70% lượng phát thải y tế xuất phát từ chuỗi cung ứng, bao gồm sản xuất vật tư y tế và dược phẩm, rác thải từ thiết bị bảo vệ cá nhân và các công cụ dùng một lần... Ảnh: iStocks |
Trong khi lượng khí thải từ ngành y tế chiếm khoảng 8,5% tổng lượng khí thải của Mỹ và khoảng 5% lượng khí thải của châu Âu, thì lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở châu Á chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải carbon của khu vực. Nguyên nhân được cho là do tình trạng dân số già của khu vực - dự kiến sẽ chiếm 2/3 tổng số người già trên 65 tuổi của thế giới vào năm 2030, kết hợp với tăng trưởng kinh tế ổn định trong những năm gần đây đã thúc đẩy chi tiêu cho y tế tăng lên.
Việc thiếu cơ sở hạ tầng quản lý chất thải phù hợp trong khu vực, cùng với lượng rác thải y tế khổng lồ phát sinh trong đại dịch COVID-19 và các hoạt động y tế đang diễn ra, cũng dẫn đến lượng rác thải y tế chưa từng có.
Đồng thời, châu Á cũng đặc biệt dễ bị tổn thương trước các rủi ro sức khỏe vì khí hậu. Tần suất và cường độ ngày càng tăng của các bệnh tật, thương tích và rủi ro liên quan đến nhiệt độ đang khiến nhiều người phải đến phòng khám và bệnh viện, trong đó nhóm dân số dễ bị tổn thương thường phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Thách thức về khử carbon
Theo John Graham, Giám đốc điều hành tập đoàn cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe Zuellig Pharm, việc phải đảm bảo vaccine và thuốc duy trì hiệu quả trong khi vận chuyển là một lý do khiến việc giảm phát thải trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vấn đối mặt với nhiều thách thức. Ngoài ra, ngành này còn sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng để chẩn đoán và điều trị, cũng như hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí cần thiết để duy trì môi trường vô trùng.
Một thách thức khác nữa là thiếu nhân sự để giám sát khí thải và chất thải y tế, bà Manjit Sohal, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy các hoạt động chăm sóc sức khỏe bền vững Health Care Without Harm (HCWH), cho biết.
Số lượng lớn cá nhân tham gia vào chuỗi cung ứng y tế cũng làm phức tạp thêm các nỗ lực giảm khí thải, vì nó liên quan đến nhiều nhà cung cấp, nhà sản xuất và nhà phân phối. Điều này khiến việc theo dõi và giảm lượng khí thải trở thành một nhiệm vụ khó khăn, bà Sohal lưu ý.
Bất chấp những lời kêu gọi giảm phát thải từ lĩnh vực y tế, chẳng hạn như lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới, khuyến khích các quốc gia cam kết phát triển các hệ thống y tế có khả năng chống chịu với khí hậu tại COP26, hiện tại không có luật nào ràng buộc về mặt pháp lý trên toàn cầu, hoặc ở châu Á, yêu cầu giảm phát thải hoặc chất thải trong lĩnh vực này.
Do đó, bà Sohal nhấn mạnh rằng tiến trình giảm phát thải và chất thải y tế cần phải vượt ra ngoài các cơ sở riêng lẻ, phải trở thành một nỗ lực mang tính hệ thống. Bà kêu gọi chính phủ và bộ y tế các quốc gia cần yêu cầu báo cáo, giám sát phát thải và chuyển đổi sang các giải pháp thay thế bền vững, ít carbon trong toàn bộ hệ thống y tế.