Thế giới

Bill Gates: Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em

ClockThứ Ba, 17/09/2024 15:42
TTH.VN - “Suy dinh dưỡng là cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em tồi tệ nhất thế giới và biến đổi khí hậu sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn”, Reuters dẫn lời Chủ tịch tập đoàn Microsoft và là nhà từ thiện Bill Gates cho biết.

Thêm gần 7 triệu trẻ em bị còi cọc do cuộc khủng hoảng từ COVID-19WHO: 1/3 các nước nghèo phải đối mặt với thiếu dinh dưỡng và béo phìThảo luận về biến đổi khí hậu ở châu Á: Trẻ em là trung tâm

 Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực tại nhiều quốc gia, đe dọa đến tình trạng sức khoẻ của trẻ em. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo vừa được công bố hôm nay (17/9), Quỹ Bill & Melinda Gates cảnh báo, nếu không có hành động toàn cầu ngay lập tức thì từ nay đến năm 2050, khoảng 40 triệu trẻ em nữa sẽ bị chậm phát triển và thêm 28 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng - “những dạng suy dinh dưỡng mãn tính và cấp tính nghiêm trọng nhất, và khó có thể phục hồi nhất”, do biến đổi khí hậu. Khi đó, những tình trạng này sẽ khiến các em trở nên yếu ớt và gầy gò. 

Theo Quỹ Bill & Melinda Gates, biến đổi khí hậu đã đe dọa đến an ninh lương thực và dinh dưỡng, vì năng suất cây trồng toàn cầu giảm và giá lương thực tăng cao buộc mọi người phải chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn, ít dinh dưỡng hơn. Và nếu trẻ không có đủ thức ăn phù hợp, cả từ trong bụng mẹ và những năm đầu đời, trẻ sẽ không bao giờ có thể bắt kịp đà phát triển, ông Gates nói, và cho rằng cả khả năng thể chất và tinh thần của trẻ đều sẽ bị kìm hãm do thiếu nguồn dinh dưỡng tốt.

Ngoài ra, trẻ em không được cung cấp đủ thức ăn phù hợp cũng dễ mắc các bệnh như sởi và sốt rét, và có nguy cơ tử vong sớm hơn.

“Khoảng 90% tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu diễn ra thông qua hệ thống thực phẩm. Có những năm, mùa màng thất bát vì hạn hán hoặc quá nhiều mưa”, ông cho biết.

Báo cáo thường niên Goalkeepers của Quỹ Bill & Melinda Gates chỉ ra rằng từ năm 2000 đến năm 2020, “sự bùng nổ về y tế toàn cầu” đã khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm 50%. Nhưng tiến trình này đã “dừng lại đột ngột” kể từ đại dịch COVID-19. Theo các nhà phân tích,  các cuộc xung đột ở Ukraine cũng như ở Trung Đông là một trong những yếu tố khiến nhiều nước ngần ngại quyên góp từ thiện.

Việc mất nguồn tài trợ này đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi, nơi tỷ trọng viện trợ nước ngoài đã giảm từ gần 40% vào năm 2010 xuống chỉ còn 25% - tỷ lệ thấp nhất trong 20 năm qua, khiến hàng triệu trẻ em gặp rủi ro.

Thiếu viện trợ và đầu tư, trong khi phải đối mặt với mức nợ ngày càng tăng nhanh, nhiều quốc gia - trong đó có một số quốc gia châu Phi, rơi vào tình thế phải dành ngân sách để chi cho các khoản thanh toán lãi vay cao hơn so với chi cho y tế và giáo dục cộng lại. Điều này cho thấy việc cắt giảm ngân sách viện trợ đang gây ra nhiều tổn hại cho các nước nghèo.

Năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính hiện có khoảng 148 triệu trẻ em bị còi cọc và 45 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng trên toàn cầu.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), tình trạng suy dinh dưỡng về khả năng thể chất và nhận thức kém đã dẫn đến tổn thất năng suất khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, mức tổn thất này có thể tương đương với khoảng 16% GDP.

Báo cáo của Quỹ Bill & Melinda Gates nêu rõ rằng khi lượng khí thải CO2 tăng sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của các loại cây trồng quan trọng, làm giảm lượng sắt và kẽm trong chế độ ăn hàng ngày. Nhưng nếu tình trạng suy dinh dưỡng có thể được giải quyết, “chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết tình trạng nghèo đói cùng cực hơn; vaccine sẽ có hiệu quả hơn; và các dịch bệnh chết người như sốt rét và viêm phổi sẽ ít gây tử vong hơn nhiều”, báo cáo viết. 

Cũng theo báo cáo, một số phương pháp có thể giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng có thể kể đến bao gồm các công nghệ nông nghiệp có thể sản xuất sữa từ bò cao gấp 2-3 lần, các kỹ thuật mới để điều chỉnh lượng muối và gia vị phù hợp. Đồng thời, để giúp trẻ có thể nhận đủ dinh dưỡng cần thiết ngay từ khi còn trong bụng mẹ, cần mở rộng việc phân phối vitamin trước khi sinh và các vi chất dinh dưỡng bổ sung với giá cả phải chăng cho toàn bộ thai kỳ.

Kêu gọi tăng cường đầu tư vào các quốc gia nghèo, ông Bill Gates nhấn mạnh rằng điều này cũng sẽ giúp đảm bảo các cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể được ngăn chặn trước khi chúng trở thành đại dịch toàn cầu. “Cuộc khủng hoảng gần đây nhất đã khiến chúng ta tổn thất hàng nghìn tỷ USD… Vì vậy, việc giúp đỡ các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu này là một chính sách bảo hiểm tuyệt vời”, nhà đồng sáng lập Microsoft khẳng định.

Được biết hồi tháng 1/2024, Quỹ Bill & Melinda Gates cho biết có kế hoạch chi kỷ lục cho y tế toàn cầu trong năm 2024, với mức chi 6,8 tỷ USD, trong khi các nỗ lực tài trợ khác đang bị đình trệ.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & FT)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Return to top