ClockThứ Năm, 12/05/2016 06:09

1/5 loài thực vật trên thế giới đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

TTH - Theo Báo cáo Nguy cơ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2016, nguy cơ được đánh giá sẽ gây tác động nghiêm trọng nhất trong năm nay là thất bại trong việc giảm thiểu tác động và thích ứng đối với biến đổi khí hậu. Theo đó, biến đổi khí hậu không những tạo nên những thay đổi lớn làm ảnh hưởng đến môi trường sống, bầu khí quyển và khí hậu, mà còn gây ra không ít tác động trực tiếp đến hệ sinh thái trên trái đất, cũng như cuộc sống của con người.

Vườn thực vật hoàng gia Kew ở London sở hữu bộ sưu tập thực vật lớn nhất thế giới với hơn 30.000 loài thực vật khác nhau. Ảnh: AFP

Hiện nay, nhiệt độ trái đất đang làm cho các loài sinh vật biến mất hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do mất đi môi trường sống. Động thực vật biến mất cũng đồng nghĩa với nguồn lương thực, nhiên liệu và thu nhập của con người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguy cơ cao đối với thực vật

Trong một điều tra chưa từng có về số lượng các loài thực vật toàn cầu, nhóm nghiên cứu đến từ Vườn thực vật hoàng gia Kew, phái tây nam thủ đô London (Anh) ngày 10/5 đưa ra lời cảnh báo rằng, 1/5 các loài thực vật trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Nghiên cứu ước tính có tổng cộng 390.900 loài thực vật được khoa học biết đến, được tìm thấy và được trồng đang đối mặt với mối đe dọa tuyệt chủng lớn nhất.

Theo báo cáo, hoạt động khai thác gỗ và thu hái chiếm 21,3% rủi ro và hoạt động xây dựng đem lại 12,8% rủi ro. Bên cạnh đó, mối đe dọa của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt được ước tính chiếm 3,96% rủi ro, mặc dù các nhà khoa học nhận định có thể còn quá sớm để đánh giá những ảnh hưởng lâu dài của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các mối đe dọa khác như những loài xâm hại và cháy rừng cũng được cho là ảnh hưởng không nhỏ đối với các loài thực vật.

Bà Kathy Willis, Giám đốc Khoa học tại Vườn thực vật hoàng gia Kew, nơi đang lưu giữ bộ sưu tập các loài thực vật lớn nhất thế giới nói rằng: “Thực vật đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con người, giúp chúng ta có cuộc sống khỏe mạnh, cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và điều hòa khí hậu. Nếu chúng ta không nhìn vào những thông tin này và thực hiện điều gì đó kịp thời để bảo tồn các loài thực vật, chúng ta sẽ phải chứng kiến một tình huống rất nguy hiểm đối với nền tảng giúp tất cả chúng ta hạnh phúc”.

Báo cáo cho thấy, khoảng 1.771 khu vực trên thế giới được xác định là “khu vực thực vật quan trọng”, tuy nhiên có rất ít biện pháp để bảo tồn.

Được biết, 2.034 thực vật có mạch, ngoại trừ rêu và tảo đã được phát hiện trong năm ngoái, trong đó có một loài cây gọng vó ăn côn trùng, một loài hành tây mới và một loài lan hài khổng lồ. Hầu hết các phát hiện mới được tìm thấy ở Australia, Brazil và Trung Quốc.

Báo cáo cho biết thêm, 17.810 loài thực vật được sử dụng trong lĩnh vực y tế, 5.538 loài phục vụ như các loại thực phẩm cho con người, 3.649 loài trở thành thức ăn cho gia súc và 1.621 loài được sử dụng để sản xuất nhiên liệu.

Nguồn tin từ AFP nói thêm, báo cáo này sẽ được xuất bản hàng năm và các nhà nghiên cứu tại Vườn thực vật hoàng gia Kew hy vọng đây sẽ là một phép so sánh của hoạt động bảo tồn thực vật trên thế giới.

“Chúng tôi đang cộng tác với hơn 80 nhà khoa học để cùng tạo nên một bước tiến lớn, giúp thu thập kiến thức nhằm truyền bá thông điệp về tầm quan trọng của các loài thực vật cho những đối tượng rộng lớn hơn. Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức về mối đe dọa đối với các loài thực vật cho công chúng có thể phức tạp hơn việc cảnh báo về mối đe dọa của loài voi châu Phi hay loài hổ Bengal”, theo ông Steve Bachman, một trong những tác giả của nghiên cứu nói trên.

“Chúng ta đang lo lắng về tình trạng của những loài chim trên thế giới, nhưng chúng ta không lo lắng về tình trạng của các loài thực vật”, bà Willis nhận định.

Động vật cũng không ngoại lệ

Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu không chỉ gây ra sự biến mất đối với các loài thực vật mà còn đối với các loài động vật phổ biến trên toàn cầu.

Nghiên cứu từ Đại học vùng Đông Anglia (Anh) cho hay, ít nhất 1/3 các loài động vật phổ biến có thể đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng trong thế kỷ này, do tác động của biến đổi khí hậu. Chúng sẽ mất đến 1/2 môi trường sống vào năm 2080, nếu con người không có biện pháp làm giảm tình trạng nóng lên toàn cầu.

Đáng chú ý, các loài bò sát và nhất là động vật lưỡng cư được dự đoán có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất. Bên cạnh đó, vùng phụ Sahara Châu Phi, vùng Trung Mỹ, Amazon và Australia được cho là những khu vực có nguy cơ mất gần hết các loài động vật.

Người đứng đầu nghiên cứu, tiến sĩ Rachel Warren đến từ Trung tâm Khoa học Môi trường của Đại học vùng Đông Anglia nói rằng: “Trong khi có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các loài sinh vật hiếm và bị đe dọa tuyệt chủng, chúng ta vẫn biết rất ít về những ảnh hưởng của sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên các loài sinh vật phổ biến hơn. Sự ảnh hưởng đối với những loài này cũng có thể tác động ít nhiều đến hệ sinh thái”. 

Nghiên cứu cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm đáng kể tính đa dạng của những loài động vật phổ biến và phân bố rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới. Sự suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu có khả năng làm kiệt quệ nguồn cung từ hệ sinh thái và sinh quyển, dẫn đến nhiều tác động đối với con người, bởi những sinh vật này đóng vai trò quan trọng giống như nước sạch hay ánh sáng.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ AFP, Sciencedaily & Global Headlines)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

TIN MỚI

Return to top