ClockThứ Sáu, 18/11/2016 22:11

APEC trước tình hình mới

TTH - Từ ngày 14-20/11, Tuần lễ cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 24 diễn ra tại thủ đô Lima của Peru, với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Những nền tảng cho tăng trưởng bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Trung tâm Hội nghị Lima (Peru), địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2016 từ ngày 14-20/11. Ảnh: Andina

Đây là dịp để lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Việt Nam thảo luận về một loạt chủ đề, như tương lai của các chính sách thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống cho người dân trước những biến chuyển mới của tình hình thế giới.

Tình hình mới

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, Hội nghị thượng đỉnh thường niên APEC được tổ chức từ ngày 17-20/11, có sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng các nhà lãnh đạo khác.

Hội nghị thượng đỉnh APEC thường là dịp để các nhà lãnh đạo hướng đến sự thống nhất về thương mại tự do trong một khu vực chiếm gần 60% nền kinh tế toàn cầu và gần 40% dân số thế giới. Tuy nhiên, sự kiện năm nay có thể không giống như những sự kiện trước đó, bởi chiến thắng “gây sốc” của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11 vừa qua.

Chính vì thế, trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới sẽ vạch ra một tương lai cho thương mại tự do, vấn đề thu hút đông đảo sự quan tâm sau chiến thắng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

“Tôi nghĩ, APEC sẽ bàn về 2 việc. Đó là những câu hỏi lớn về cách mà nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng lên thương mại và tìm con đường không có Mỹ để đi đến thương mại tự do. Rõ ràng Mỹ đã chọn ngồi xuống, nâng cao chướng ngại vật và trở về quá khứ huy hoàng của sự cô lập”, bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á có trụ sở đặt tại Singapore nhận định.

Khó xử cho ông Obama

APEC năm nay cũng có nguy cơ trở thành một hội nghị thượng đỉnh khó xử đối với Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama, người sẽ kết thúc chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị Tổng thống ở Peru, sau khi dừng chân tại Hy Lạp và Đức.

Tổng thống Mỹ Obama từng không bằng lòng với ông Trump, nhưng bây giờ phải trấn an các đồng minh rằng, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump trên thực tế sẽ không là thảm họa.

Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc đang lo lắng Tổng thống đắc cử Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ cắt giảm sự hiện diện Quân đội Mỹ, kinh tế và ngoại giao trong khu vực và họ phải tiếp xúc với một Trung Quốc chiếm ưu thế, cùng một Triều Tiên luôn muốn gây “bất ngờ”.

Dấu chấm hết của TPP?

Giờ đây, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sáng kiến ​​thương mại mang dấu ấn của ông Obama ở châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với sự kết thúc gần như chắc chắn.

Suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay khi ông nhậm chức, đồng thời lên tiếng chỉ trích Hiệp định này và các Hiệp định thương mại đa phương khác. Theo ông Trump, Washington chỉ nên tập trung vào các thỏa thuận song phương.

Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia đứng ngoài nhóm 12 nước tham gia TPP sẽ thúc đẩy hai thỏa thuận riêng của họ là Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hai thỏa thuận này đều có Ấn Độ nhưng không có Mỹ và cả hai được xem là đem lại cho Trung Quốc lợi thế hơn Mỹ trong việc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

Thương mại tự do sẽ đi về đâu?

Các nhà phân tích cho rằng, tương lai của thương mại tự do là một vấn đề quan trọng được tập trung thảo luận tại Lima.

Thế giới sẽ đến Hội nghị thượng đỉnh để đạt được “một tuyên bố mạnh mẽ”, nhằm phản bác lập luận chống thương mại của ông Trump, Tổng thư ký Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) Eduardo Pedrosa khẳng định.

“Bằng chứng không cho thấy tự do thương mại lấy đi việc làm của các nước, đó chỉ là cách mà mọi người cảm nhận”, ông Pedrosa nhấn mạnh.

Trong một nhận định khác, chuyên gia thương mại Robert Lawrence tại Đại học Harvard nói rằng, chiến thắng của ông Trump đồng nghĩa với tự do thương mại sẽ gặp “rắc rối”. Không chỉ vai trò của Mỹ trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế bị “tổn hại nghiêm trọng”, chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ bây giờ cũng có thể trở thành sự kìm hãm đối với thương mại thế giới.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ CNA, Straitstimes & AFP)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo sát cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý

Sáng 9/10, Hội đồng Phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương (PBGDPL) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Theo sát cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý
Return to top