ClockThứ Sáu, 12/07/2019 13:55

ASEAN: Tia sáng giữa bối cảnh kinh tế ảm đạm

TTH - Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, những bấp bênh về Brexit, những biến động chính trị trên thế giới, hay căng thẳng địa chính trị Mỹ-Iran leo thang là những diễn biến ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường tài chính hiện nay.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Thái LanThúc đẩy mở rộng thị trường xe điện ASEANASEAN đánh giá cao cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Trong khi những sự kiện trên có thể làm ảm đạm triển vọng kinh tế toàn cầu bởi sự lo ngại, ASEAN đang nổi lên như một động lực tăng trưởng cần thiết, mang đến một lý do để lạc quan.

 Khu vực ASEAN nổi lên như một động lực tăng trưởng ấn tượng trên toàn cầu. Ảnh: Getty Image

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng, khu vực này liên tục gây ấn tượng, kể từ năm 2000 và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Ngoài sự tăng trưởng kinh tế cốt lõi, sự bùng nổ dự kiến từ việc áp dụng công nghệ và bắt đầu tái định vị chuỗi cung ứng cho các nước ASEAN cũng sẽ mang lại những tác động sâu sắc.

Ưu thế từ dân số và công nghệ

Theo Business Times, khu vực ASEAN có nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Một trong những động lực chính là dân số đông đảo với khoảng 650 triệu người, trong đó có hơn một nửa dưới 30 tuổi, cung cấp một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới.

ASEAN có gần một nửa dân số sống ở khu vực thành thị, đồng thời tầng lớp trung lưu trong khu vực cũng đang phát triển nhanh chóng, mang đến những cơ hội chưa được khai thác cho các doanh nghiệp.

ASEAN còn có ưu thế từ việc áp dụng công nghệ nhanh chóng, khi đây là nơi có lượng người dùng tương tác internet nhiều nhất thế giới với hơn 90% kết nối với web thông qua điện thoại thông minh. Điều này đang thúc đẩy ngành kinh doanh trực tuyến và sự bùng nổ của nền kinh tế Internet, bao gồm các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ theo yêu cầu, du lịch trực tuyến...

Ngoài ra, sự hiện đại hóa triệt để của các hệ thống thanh toán ở mỗi quốc gia mang đến thêm một khía cạnh phát triển khác. Trên khắp ASEAN, các chính phủ đều nhận ra tầm quan trọng của các nền tảng thanh toán tức thời (như công nghệ quét mã QR) để mang lại sự thuận tiện và nhanh chóng cho người dân, làm tăng tốc độ dòng tiền cho các nền kinh tế, đồng thời thu hút thêm nhiều người tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

Một động lực chính của nền kinh tế kỹ thuật số là kết nối dữ liệu. Trong vài năm tới, 5G dự kiến ​​sẽ được tung ra trên toàn cầu và ở ASEAN, với tác động không thể đánh giá thấp. Từ những chiếc xe tự lái đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, thế hệ mạng di động mới này được cho là sẽ làm thay đổi cách thế giới hoạt động và sống trong tương lai.

Trong ngành dịch vụ tài chính, 5G có khả năng rút ngắn đáng kể chu kỳ thanh toán và loại bỏ độ trễ với khả năng giao dịch di động thời gian thực. Tất cả những điều này chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm khi 5G sẽ cho phép các doanh nghiệp tưởng tượng ra một tương lai chưa tồn tại. Điều này sẽ giúp làm cho các dịch vụ ngân hàng có thể tiếp cận được với dân số đông đảo trong ASEAN, mang lại cho họ cơ hội tiết kiệm, đầu tư, chi tiêu và vay mượn cho nhu cầu kinh doanh cá nhân.

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Trong khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung như những đám mây đen lơ lửng, ASEAN lại đang chứng kiến những tác động từ sự chuyển hướng thương mại và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp. Dữ liệu thương mại mới nhất cho thấy, khu vực này đang nổi lên nhanh chóng như một ứng cử viên mạnh mẽ cho sự lan tỏa tích cực. Đã có khoảng 4% hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc hiện đang được chuyển hướng sang các nước khác thuộc châu Á. Về lâu dài, nhiều công ty có khả năng sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Với nhiều ưu thế, các nhà phân tích của Citibank tin rằng khu vực ASEAN sẽ là thị trường hấp dẫn cho các cơ sở sản xuất khi có lực lượng lao động đông đảo, lương thấp, có thể sản xuất từ hàng may mặc cho đến các ngành khoa học điện tử và sinh học cao cấp. Theo ước tính của Citibank, trong trung và dài hạn, chỉ riêng điều này có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản trong tăng trưởng GDP cho các nước ASEAN.

Dữ liệu của Business Times cho thấy, hiện không chỉ các tập đoàn lớn của Mỹ và châu Âu đang tìm đến ASEAN, mà rất nhiều công ty Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng bày tỏ sự quan tâm đến khu vực này.

Nhìn chung, sự hội tụ của các yếu tố bên trong và bên ngoài đang giúp duy trì động lực cho ASEAN và thúc đẩy khu vực trở thành một lực lượng hàng đầu trong chương tiếp theo của tăng trưởng toàn cầu. Khi dân số trẻ và am hiểu kỹ thuật số gia nhập lực lượng lao động, họ sẽ là một động lực mạnh mẽ giúp tăng trưởng. Bên cạnh việc được hưởng lợi từ dịch chuyển chuỗi cung ứng, những tiện ích mà mạng 5G mang lại cho khu vực khi được đưa vào vận hành cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà phát triển.

Theo các chuyên gia phân tích từ Business Times, những yếu tố này thực sự sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng phi thường trên toàn ASEAN.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ Business Times & Nikkei Asia Review)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top