ClockThứ Bảy, 20/08/2016 09:51

Biến đổi khí hậu – mối đe dọa của các Thế vận hội tương lai

TTH - Sức khỏe và an toàn của các vận động viên Olympic vẫn luôn là câu chuyện thu hút nhiều sự quan tâm trong các kỳ Thế vận hội Olympic. Ở Olympic 2008, chất lượng không khí tồi tệ ở Bắc Kinh chính là vấn đề đáng lo ngại, trong khi Thế vận hội năm nay lại dấy lên mối hoài nghi về nguồn nước bị ô nhiễm và sự bùng phát của virus Zika – loại dịch bệnh được cho là phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt ấm gây ra bởi sự thay đổi khí hậu. Mới đây, một tham luận chung của nhiều giáo sư và nhà nghiên cứu đưa ra cảnh báo rằng, tương lai của các Thế vận hội sắp tới có thể bị đe dọa bởi sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm biến đổi khí hậu.

Olympic Sochi 2014 được coi là Thế vận hội ấm nhất trong lịch sử. Ảnh: Huffpost

 

Olympic mùa hè

Đến năm 2085, dự tính chỉ có 25 thành phố châu Âu và 8 thành phố ở các khu vực khác đủ điều kiện về thời tiết để tổ chức Olympic mùa hè, theo một tham luận chung của các Giáo sư Y tế cộng đồng John Balmes và Kirk Smith thuộc Đại học UC Berkeley, Giáo sư Alistair Woodward của Đại học Auckland và Giám đốc y tế cho đội tuyển Mỹ tại Olympic London 2012 Cindy Chang, vừa được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet.

Kết luận trên xuất phát từ một nghiên cứu lớn tập trung vào sự biến đổi khí hậu và tương lai của Thế vận hội ngoài trời, được các tác giả đưa ra bằng cách phát triển một phép đo, được gọi là bầu ướt nhiệt độ toàn cầu (WBGT), kết hợp nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ nhiệt, và gió. Công cụ này được sử dụng kết hợp với 2 mô hình khí hậu để đánh giá tính khả thi của các thành phố muốn đăng cai Olympic trong tương lai.

Dựa trên những quy định hiện hành của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) về tiêu chuẩn tổ chức Thế vận hội, các nhà nghiên cứu chỉ tiến hành xem xét các thành phố có trên 600.000 dân cư và nằm cao hơn mực nước biển ít nhất 1 dặm (1,6km) và phát hiện ra rằng, đến năm 2085, Istanbul, Madrid, Rome, Paris và Budapest – những thành phố đã và đang tham gia vào cuộc cạnh tranh quyền đăng cai Olympic mùa hè năm 2020 hoặc 2024, đều không còn thích hợp để tổ chức giải đấu. Tokyo, thành phố sẽ diễn ra Thế vận hội mùa hè năm 2020, cũng có thể sẽ không còn cơ hội được đăng cai lần nữa do quá nóng, khó đảm bảo được an toàn cho các vận động viên (VĐV).

Trên thực tế, hồi tháng 10/2007, cuộc thi marathon ở Chicago đã bị hủy bỏ giữa chừng khi hàng trăm VĐV không chịu nổi sức nóng và phải tìm tới sự chăm sóc y tế. Nhiệt độ cao cũng tàn phá sức lực của các VĐV đội tuyển Olympic năm nay của Mỹ trong một cuộc marathon thử nghiệm ở Los Angeles, khi có đến 30% các VĐV triển vọng không thể hoàn thành bài kiểm tra trong điều kiện nhiệt độ gần 27 độ C.

Ngay trong lễ khai mạc Olympic Rio 2016 hôm 5/8 vừa qua, ban tổ chức cũng cho trình chiếu một đoạn video không chỉ nêu bật tầm quan trọng của vấn đề biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, mà còn kêu gọi các nước chia sẻ gánh nặng trách nhiệm trong cuộc chiến chống lại thảm kịch này.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận vẫn có cách giải quyết, chẳng hạn như loại bỏ một số môn thi nhất định để cho phép Thế vận hội mùa hè được tiếp tục, nhưng khi đó, giải đấu sẽ rất khác so với những gì đang diễn ra ở Olympic Rio.

Thế vận hội mùa đông

Năm 2014, trước khi Thế vận hội mùa đông bắt đầu tại Sochi (Nga), ban tổ chức và các VĐV đều lo lắng tự hỏi liệu có đủ tuyết cho các cuộc thi có trong mùa giải đó hay không. Và kết quả là, Olympic Sochi kết thúc trong ấn tượng là một trong những kỳ vận hội mùa đông ấm nhất từng có.

“Ngay lúc này, tất cả các thành phố từng là chủ nhà của Olympic đều được cho là có kiểu khí hậu chấp nhận được. Nhưng đến khoảng năm 2050, con số này sẽ giảm gần một nửa, và vào cuối thế kỷ, với kịch bản thời tiết ấm nóng hơn, dự kiến con số đó sẽ giảm xuống còn 6 thành phố đủ điều kiện tổ chức Thế vận hội mùa đông”, ông Daniel Scott, tác giả công trình Những biến đổi toàn cầu của Đại học Waterloo - nghiên cứu mối quan hệ giữa thể thao, vui chơi giải trí, và môi trường suốt vài thập kỷ qua cho biết.

Trong một kịch bản tồi tệ nhất với lượng khí thải hiện nay, đến năm 2080, những kỳ Thế vận mùa đông sẽ không có kiểu khí hậu thích hợp để diễn ra, có nghĩa là sẽ không có đủ tuyết cho các sự kiện hoặc nhiệt độ quá cao đến mức không thể thi đấu.

Khi chúng ta đang bước vào những ngày thi đấu cuối của Olympic Rio 2016, thì tương lai không chắc chắn của các kỳ vận hội trong tương lai chính là động lực thúc đẩy chúng ta cần phải có hành động thiết thực để chống lại sự biến đổi khí hậu hiện nay.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp và lược dịch từ Csmonitor, Thelancet & Natureworldnews)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top