Như vậy, sau gần 50 năm, Anh quyết định chia tay với EU – một cú sốc lớn không chỉ với riêng quốc gia này mà còn với cả châu Âu và thế giới, khi kéo theo nhiều xáo trộn đáng lo ngại.
Anh quyết định rời khỏi EU sau gần 50 năm. Ảnh: AP.
Biến động lớn về kinh tế, tài chính
Ngay trong ngày 24/5, đồng Bảng Anh lao dốc nghiêm trọng khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Theo hãng tin Bloomberg, với Brexit, Anh đánh mất một thị trường ổn định 500 triệu dân ở EU, ước tính có thể dẫn đến thiệt hại 6% GDP vào năm 2020, khi hơn một 1/2 số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện xuất sang các nước EU, trị giá từ 4-5% GDP.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói rằng, nước này sẽ phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để ổn định nền kinh tế, sau khi cơ quan xếp hạng tín dụng thứ 3 là Standard & Poor’s (sau Moddy’s và Fitch) tiếp tục 2 hạ bậc xếp hạng của Anh xuống mức AA. Mặc dù các cử tri hy vọng nền kinh tế Anh sẽ phát triển mạnh bên ngoài EU, nhưng hiện tại, ngay sau Brexit, nhiều doanh nghiệp công bố đóng băng việc tuyển dụng và có thể cắt giảm việc làm, theo tin từ CBNC ngày 29/6.
Ngược lại đối với EU, việc Anh rời khỏi khối cũng gây ra nhiều khó khăn khi Anh là một nước đóng góp lớn ngân sách cho EU, khiến tình cảnh khó khăn hiện tại sẽ càng thêm nghiêm trọng, do thực tế, số lượng các nước gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế trong EU chiếm số lượng lớn, nhất là Hy Lạp. Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, cuộc chia tay này có thể kích thích quá trình suy thoái kinh tế trong EU, và thậm chí có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Anh và EU.
Ở châu Á, tuy được đánh giá sẽ không gây tác động dài hạn, nhưng Brexit cũng có những ảnh hưởng nhất định đến châu lục này. Phát biểu trong cuộc họp về Brexit ngày 28/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh, “chúng tôi rất lo ngại về rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, và các thị trường tài chính”, trong đó Nhật Bản là nước bị tác động ngay lập tức khi đồng Yên tăng mạnh, do các nhà đầu tư lo ngại sự bất ổn nên đã rời bỏ đồng Euro để tìm đến đồng Yên như một nơi trú ẩn an toàn.
Bất ổn địa chính trị
Trong khi những tác động của Brexit về kinh tế sẽ cần thêm nhiều thời gian để có nhận định một cách toàn diện thì cơn địa chấn này rõ ràng đã và đang gây ra những bất ổn lớn về địa chính trị ngay trước mắt.
Trong nội bộ Vương quốc Anh, tờ Guardian cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý đã làm cho nước Anh rơi vào tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa hai phía tư tưởng ở lại hay rời khỏi EU, với sự khác biệt lớn giữa các thế hệ ở Anh khi có tới 3/4 cử tri dưới 24 tuổi phản đối việc rời khỏi EU, trong khi thế hệ những người từ 65 tuổi trở lên lại có đa số áp đảo (58%) ủng hộ Brexit, theo trang Politico.
Nghiêm trọng hơn, Brexit có thể kéo theo hiệu ứng “domino” với nhiều cuộc trưng cầu dân ý khác để rời bỏ EU, trong bối cảnh tâm lý hoài nghi về EU đang ngày càng lan rộng ở nhiều nước châu Âu, nhất là ở Đức, Pháp và những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công và di cư như Áo, Bỉ, Hy Lạp, Ý...
Trên diễn đàn chính trị thế giới, Brexit có tác động không nhỏ đối với quan hệ của Anh với các nước lớn. Đối với Đức và Pháp, sự ra đi của Anh sẽ làm mất cân bằng cán cân quyền lực của 3 nước Anh-Pháp-Đức trong EU.
Trước những biến động gây ra từ Brexit, ngày 28/6, các nhà lãnh đạo EU tiến hành Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận về những hậu quả sau quyết định này của Anh. Ngày 29/6, lần đầu tiên, 27 nhà lãnh đạo EU không bao gồm Anh tổ chức cuộc họp riêng để thảo luận về cách thức đối phó với Anh trên tiến trình rút ra khỏi khối, kể từ khi gia nhập vào năm 1973, và làm thế nào để Liên minh có thể tiếp tục phát triển mà không có Anh như một thành viên chủ chốt. |
TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ CBNC, Bloomberg & Reuters)