Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ 4 từ trái qua) cùng các quan chức tham dự Hội nghị. Ảnh: Reuters
Mở rộng quan hệ kinh tế hai chiều
Theo tờ Bloomberg, quan hệ kinh tế, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã lớn mạnh nhanh chóng trong những năm qua, đặc biệt là sau Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ký tháng 11/2002 nhằm thiết lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA).
Năm 2004, Bắc Kinh đã ký kết hiệp định tự do mậu dịch đầu tiên với ASEAN để thúc đẩy trao đổi kinh tế và thương mại giữa quốc gia này với các nước ASEAN. Nhờ vậy, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN khi tổng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã được nhân lên gần 60 lần: từ 8 tỷ USD vào năm 1991 tăng lên thành 470 tỷ vào năm 2015. Tuy nhiên, cả Trung Quốc lẫn ASEAN cùng mong muốn mở rộng thêm nữa quan hệ kinh tế hai chiều. Theo đó, mục tiêu tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa ASEAN-Trung Quốc vào năm 2020 dự kiến sẽ lên tới 1.000 tỷ USD và tổng đầu tư trực tiếp giữa Trung Quốc với ASEAN đạt tới 150 tỷ USD.
Lo ngại về tình hình Biển Đông
Tuy nhiên, bên cạnh việc hoan nghênh những thành tựu trong quan hệ đối tác hợp tác ASEAN-Trung Quốc, Ngoại trưởng các nước ASEAN tham dự hội nghị lần này cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp đã và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng các bãi đá với quy mô lớn, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh tòa trọng tài thường trực của Liên hiệp quốc (LHQ) sắp sửa đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông mà Philippines khởi kiện, hội nghị đặc biệt này thực sự đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo dư luận quốc tế.
Theo tin từ WSJ ngày 15/6, Việt Nam đã ban hành một tuyên bố cho biết, các ngoại trưởng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo trong khu vực, và lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Mặt khác, AFP và Bloomberg ngày 15/4 đưa tin rằng, ngoại trưởng các nước ASEAN ban đầu đã nhất trí ra một tuyên bố chung bày tỏ “mối lo ngại nghiêm trọng” về sự phát triển những tranh chấp ở Biển Đông, nhưng sau đó Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết tuyên bố cần phải được rút lại để thay đổi cấp bách và phiên bản sửa đổi đã không được phát hành.
Hãng tin AFP trích dẫn một phần tuyên bố đã thu hồi sau khi ghi nhận sự tiến bộ trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, nói rằng “chúng ta không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ở Biển Đông vì đó là một vấn đề quan trọng trong quan hệ và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc”.
Cần duy trì hòa bình và ổn định khu vực
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố rằng cả Trung Quốc lẫn ASEAN nên xem xét mối quan hệ song phương với “độ cao chiến lược” và “tầm nhìn dài hạn”, xử lý đúng đắn các bất đồng để quan hệ 2 bên có thể phát triển theo hướng lành mạnh và ổn định. Theo đánh giá của các nhà phân tích, tuyên bố này của Trung Quốc mang tính hòa hoãn và được đưa ra vào lúc tình hình Biển Đông càng lúc càng căng thẳng.
Tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp là điều mà ngoại trưởng các nước cùng hướng tới, trong đó bao gồm việc yêu cầu các bên “tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp luật và ngoại giao, không đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực, phù hợp các nguyên tắc luật pháp được quốc tế thừa nhận, kể cả Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và hiến chương LHQ”.
TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Bloomberg, WSJ & Dailymail)