Dòng người xe đông nghịt ở Hà Nội trong giờ cao điểm. Ảnh: Vietnam+
Cơ hội tăng trưởng
Một báo cáo năm 2015 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, những thành phố lớn ở các nước Đông Nam Á - khu vực có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế và chính trị, đang được đô thị hóa mạnh mẽ, với gần 200 triệu người trong khu vực này di chuyển từ nông thôn ra thành thị trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2010, tương đương với dân số của một nước lớn thứ 6 thế giới. Ước tính đến năm 2030, dân số đô thị sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu người, đạt mốc 373 triệu người.
Các báo cáo, phân tích hình ảnh vệ tinh và mô hình biểu đồ dân số chỉ ra rằng, khu vực đô thị Đông Nam Á bao gồm 8 "siêu thành phố" với dân số hơn 10 triệu; 123 thành phố lớn từ 1 triệu -10 triệu người; 738 thành phố vừa và nhỏ có từ 100.000 - 1 triệu dân cư.
Theo nghiên cứu của Viện Martin Prosperity, thực tế khẳng định tồn tại mối tương quan giữa tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng thu nhập, dựa trên bình quân đầu người. Phân tích các biểu đồ trong nghiên cứu đã cho thấy dấu hiệu tích cực trong mối tương quan này.
Dẫn đầu là thành phố Singapore với thu nhập đầu người đạt 66.864 USD/năm, xếp thứ 4 thế giới. Tiếp đến là Kuala Lumpur với thu nhập đầu người đạt 28.076 USD, cao hơn gấp 3 lần so với bình quân của cả nước Malaysia là 9.748 USD. Jakarta và TP. Hồ Chí Minh ở tầng phát triển thứ 4 với bình quân đầu người tương ứng đạt 9.984 và 8.600 USD, trong khi bình quân cả nước Indonesia và Việt Nam đạt lần lượt 3.323 và 1.544 USD, theo số liệu được trang CityLab công bố hồi cuối tháng 1 vừa qua.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Tuy nhiên, đô thị hóa cũng có xu hướng mang lại nhiều nguy cơ khi nhiều con người phải cạnh tranh nhau về không gian, việc làm, nguồn nước và năng lượng. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, nếu không được hoạch định tốt, quá trình này có thể dẫn đến việc làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm, chất thải và bất bình đẳng, cũng như làm tăng độ phơi nhiễm với rủi ro thiên tai và khí hậu.
Thực tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung là nơi gánh chịu thiên tai nghiêm trọng nhất trên thế giới, với hơn 2 triệu người thiệt mạng do động đất, sóng thần, lũ lụt và các nguy cơ khác trong những năm từ 1970-2014.
Mặc dù đô thị hóa góp phần giúp tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhưng hiện chỉ có khoảng 36% dân số Đông Á đang sống ở khu vực đô thị, vì vậy hiện tượng người dân di chuyển đến các thành phố rất có khả năng sẽ tiếp diễn ở khu vực này trong suốt thập kỷ tới. Theo Ngân hàng Thế giới, hiện tượng này làm gia tăng mối lo ngại các nguồn tài nguyên và cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng nhu cầu.
"Đông Nam Á có một số khu định cư ổ chuột lớn nhất trên thế giới, do đó, có nguy cơ làm trầm trọng hơn những thách thức trong việc thích nghi với sự biến đổi khí hậu và những hệ luỵ kéo theo", Reuters trích dẫn lời một chuyên gia cảnh báo.
TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Reuters, CityLab & Researchgate)