ClockThứ Sáu, 28/07/2017 08:45

Đối phó với nước biển dâng, Hà Lan khiến thế giới theo dõi

TTH - Ở Hà Lan, biến đổi khí hậu không được xem là nguy cơ hay trở ngại đối với nền kinh tế, mà đó là cơ hội…

Một quảng trường được xây dựng để chứa nước lũ trong khu vực Spangen, gần thành phố Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: The New York Times

Giống như pho mát ở Pháp hay xe hơi ở Đức, biến đổi khí hậu là một ngành... kinh doanh ở Hà Lan. Thời gian qua, các đoàn đến từ những thành phố lớn trên thế giới như Jakarta (Indonesia), New York, New Orleans (Mỹ) và cả thành phố Hồ Chí Minh đã đến học hỏi kinh nghiệm từ thành phố cảng Rotterdam của Hà Lan. Họ cũng hợp tác với các công ty Hà Lan, vốn chiếm lĩnh thị trường toàn cầu về kỹ thuật công nghệ cao và quản lý nước.

Tiên phong

Người Hà Lan đang đi tiên phong trong việc đưa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào đời sống và hiện thực hóa các biện pháp, nhằm đối phó với vấn đề mang tính toàn cầu này. Về bản chất, họ không hy vọng chinh phục hay đánh bại thiên nhiên mà chọn sống chung với nước. Chính vì thế, người Hà Lan xây hồ, nhà để xe, công viên và trung tâm thương mại để phục vụ cuộc sống hàng ngày; đồng thời tăng gấp đôi số hồ chứa khổng lồ phòng trường hợp nước biển và sông tràn lên thành phố.

Các quan chức Hà Lan tin rằng, sự hồi phục của môi trường và kiến tạo xã hội nên đi đôi với nhau. Khi các nhà quy hoạch ở Hà Lan cải tạo đường sá, khu phố, họ cũng mở rộng các khu vực chứa nước nhằm đề phòng thảm họa. Thích ứng với biến đổi khí hậu nếu được giải quyết ngay từ đầu và đúng cách, sẽ tạo nên một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng hơn. Đây là thông điệp mà người Hà Lan gửi đến thế giới.

Có rất nhiều công trình chứng minh thành tựu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu ở Hà Lan. Một ví dụ điển hình là Eendragtspolde, kênh chèo thuyền tại Rotterdam, nơi giải vô địch chèo thuyền thế giới được tổ chức hồi mùa hè năm ngoài. Đây là công trình chứa nước trong trường hợp khẩn cấp khi thành phố bị ngập lụt.

Sống chung với nước

Thị trưởng thành phố Rotterdam, ông Olealeb nhận định: “Rotterdam là nơi dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, về kinh tế lẫn địa lý. Nếu bị ngập, di tản không phải là sự lựa chọn bởi chúng tôi chỉ có thể sơ tán số lượng nhỏ. Chúng tôi phải học cách sống chung với nước”.

Do đó, Rotterdam đã đi tiên phong trong việc xây dựng các công trình luôn sẵn sàng trở thành bể chứa nước khẩn cấp. Dự án nằm trong số hàng chục chương trình trên cả nước, được gọi là "Căn phòng dành cho sông".

Ông Harold van Waveren, Cố vấn cao cấp của Chính phủ Hà Lan cho hay, nỗ lực chống biến đổi khí hậu không chỉ tập trung ở các công trình thoát nước, mà còn là cách quy hoạch không gian, quản lý khủng hoảng, giáo dục trẻ em, cũng như những ứng dụng trực tuyến và không gian công cộng.

"Một thành phố thông minh phải có một cái nhìn toàn diện, vượt ra khỏi đê và cửa thoát nước. Thách thức của thích ứng với biến đổi khí hậu là đảm bảo an toàn, cống rãnh, nhà ở, đường sá. Ngoài ra, chúng ta cũng cần khả năng phục hồi không gian mạng, bởi thách thức tiếp theo đối với an toàn khí hậu là an ninh mạng. Chúng ta không thể sử dụng những hệ thống dễ bị tổn thương để kiểm soát cầu cống. Tiếp đến, chúng ta cần chính sách tốt, dù lớn hay nhỏ", Giám đốc Trung tâm Khí hậu thành phố Rotterdam, ông Arnoud Molenaar nhấn mạnh.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ The New York Times, Dutch News & Global Daily)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top