ClockThứ Bảy, 20/07/2019 12:34

Hàng rào phi thuế quan - vấn đề đáng lo ngại ở ASEAN

TTH - Hãng tin Bangkok Post ngày 15/7 dẫn lời lãnh đạo các doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Đông Nam Á bày tỏ mối lo ngại ngày càng lớn về sự gia tăng của hàng rào phi thuế quan (NTBs) trong khu vực.

Thủ tướng Malaysia kêu gọi ASEAN tăng cường hội nhập kinh tế

Lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Đông Nam Á lo ngại về sự gia tăng của NTBs. Ảnh: Bangkok Post

Lo ngại gia tăng

Mặc dù 98% thuế quan nội khối ASEAN đã và đang được loại bỏ trong 6 trên tổng số 10 nền kinh tế lớn nhất của khối, song kết quả của một bài khảo sát gần đây nhất, được thực hiện với rất nhiều doanh nghiệp trên khắp khu vực chỉ ra rằng NTBs đang tăng lên chóng mặt. Đơn cử, số lượng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực phẩm – được coi là các biện pháp phi thuế quan đã tăng đến 305% trong 16 năm, từ năm 2000 đến 2016.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát khác được thực hiện từ giữa tháng 9/2018 đến tháng 2/2019 cũng cho thấy các doanh nghiệp rất thất vọng khi chính phủ các nước trong khu vực ASEAN không giải quyết được vấn đề về hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp tham gia đợt khảo sát này bao gồm những đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực ôtô, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Thiếu thực thi

Tiến sĩ Mohd Munir bin Abdul Majid, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN tại Malaysia cho hay, các nước thành viên đã nhất trí loại bỏ các hàng rào phi thuế quan trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN 2009 (Atiga), Kế hoạch chi tiết xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và Kế hoạch xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025. Tuy nhiên, đáng lo ngại là từ mức dưới 2.000 hàng rào phi thuế quan ghi nhận vào năm 2015, nay chúng ta có đến 9.000 hàng rào phi thuế quan.

“ASEAN đòi hỏi thiết lập cam kết cao hơn để đạt được mục tiêu loại bỏ hàng rào phi thuế quan. Song khu vực lại thường chỉ đặt ra mục tiêu, sau đó bỏ quên việc thực hiện và tiếp tục đặt ra mục tiêu khác”, tiến sĩ Mohd Munir bin Abdul Majid nhận xét trong bài phát biểu tại hội nghị tổ chức bởi Hồi đồng Kinh doanh EU-ASEAN phối hợp với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN.

Cùng quan điểm, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN Chris Humphrey chỉ ra rằng ASEAN liên tục mắc sai lầm trong việc “hứa nhiều, làm ít”. Cơ chế đã ở đó, mục tiêu cũng ở đó. Điều chúng ta thiếu là sự thực thi.

Sau khi phỏng vấn các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực ôtô, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, phần lớn đều chỉ ra rằng sự gia tăng nhanh chóng của hàng rào phi thuế quan cản trở khả năng phát triển kinh doanh của công ty. Không chỉ tác động đến các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á Deborah Elms cũng nêu lên nhiều ví dụ cụ thể về việc NTBs gây khó khăn cho doanh nghiệp EU khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN. Một cách rõ ràng hơn, vị lãnh đạo cho biết, tại Indonesia, các thủ tục kiểm tra rất dài dòng và tốn kém. Vấn đề này xuất hiện trong rất nhiều ngành công nghiệp...

Cùng với nhiều ví dụ khác như rào cản thuế trong ngành công nghiệp rượu... Có thể thấy, mặc dù trên đây chỉ mới là thách thức của hàng nhập khẩu EU vào ASEAN, nhưng cùng lúc thương mại nội khối ASEAN cũng phải đối mặt với những rào cản tương tự.

Nỗ lực khắc phục

Khước từ những dự đoán về triển vọng bi quan quá mức, Kejpiroon Kohsuwan, Phó Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan giải thích rằng, tiến độ phát triển chậm là cần thiết. “50 năm trước, ASEAN không phải là một khu vực phát triển. Tại thời điểm này, không có bất kỳ tiêu chuẩn hay luật bảo vệ người tiêu dùng nào. Ngay cả luật canh tranh cũng không. Khi các quốc gia bắt đầu tiến bộ, họ chấp nhận và thích nghi với các tiêu chuẩn toàn cầu”. Được biết, sự đa dạng của ASEAN khiến tiến trình hài hòa các tiêu chuẩn trở thành một thách thức. Các chính phủ đã và đang nỗ lực hết mình để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân. Song điều này mất nhiều thời gian hơn so với EU, nơi các tiêu chuẩn được tạo nên bởi Ủy ban châu Âu, thay vì các quốc gia riêng lẻ.

Nhìn chung, chuỗi hành động đã và đang được thực hiện để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho phát triển kinh doanh. Trong đó, Cơ sở dữ kiện thương mại ASEAN đã kết nối với cơ sở dữ kiện thương mại của từng quốc gia thành viên. Nó đóng vai trò như một cơ sở dữ liệu về các biện pháp phi thuế quan, tổng hợp các quật lệ và quy định để hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ASEAN. Các hệ thống tiên tiến để xác định và thu thập thông tin về NTBs hiệu quả hơn, từ đó tăng cường chất lượng quản lý cũng được đề xuất triển khai...

Tuy nhiên, cần phải nói rằng việc thực hiện khuyến nghị, đề xuất không phải là điều dễ dàng. Để thay đổi, các lãnh đạo phải nhìn thấy sự cấp bách. Trong bối cảnh những kiến nghị thay đổi xuất hiện vào đúng thời điểm chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong lĩnh vực kinh tế toàn cầu, điều cần thiết là ASEAN phải thể hiện tầm nhìn lãnh đạo. Không còn suy nghĩ gì nữa, “Hãy triển khai và triển khai ngay bây giờ”, Giám đốc Elms nhấn mạnh.

HẠNH NHI (Lược dịch từ Bangkok Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top