ClockThứ Sáu, 15/03/2019 08:28

Hướng đến một “Asean kỹ thuật số”

TTH - Là một khối kinh tế, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, điều này không được phản ánh trong việc áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số khi mức độ chuyển đổi giữa các quốc gia thành viên ASEAN không đồng đều, trải từ vị trí hàng đầu cho đến thứ 160 trong bảng Chỉ số chấp nhận kỹ thuật số toàn cầu (DAI) của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tương lai cục diện việc làm ở 6 nền kinh tế lớn nhất ASEANASEAN: Việc làm đứng trước thách thức từ trí tuệ nhân tạoASEAN bước vào kỷ nguyên kỹ thuật sốASEAN – thị trường viễn thông nhiều tiềm năng

Các quốc gia thành viên ASEAN có mức độ chuyển đổi kỹ thuật số không đồng đều. Ảnh: VIR

Cụ thể, trong khi Singapore đứng đầu bảng xếp hạng, các nước tiếp theo xếp cách biệt khá xa với Malaysia ở vị trí thứ 41, Thái Lan (61), Brunei (58), Việt Nam (91). Lọt ra khỏi top 100, Philippines đứng ở vị trí 101, Indonesia (109), Campuchia (123), CHDCND Lào (159) và Myanmar (160).

Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các quốc gia như Brunei, Malaysia và Singapore có tỷ lệ truy cập internet rất cao. Tuy nhiên, tại các quốc gia kém phát triển như Campuchia, Indonesia, Lào và Myanmar, khoảng 70% dân số không được truy cập internet.

Vấn đề chi phí

Kết nối internet là yêu cầu cơ bản để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số. Về phía người tiêu dùng, kết nối internet thông qua dữ liệu cố định và di động là đủ. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, sử dụng internet băng thông rộng cố định là điều cần thiết vì internet di động vừa chậm vừa đắt tiền hơn.

Về mặt kỹ thuật, sử dụng băng thông rộng cố định không chỉ dẫn đến tốc độ internet di động nhanh hơn mà còn cho phép các doanh nghiệp xử lý tốt hơn các nhu cầu truyền phát video, quản lý chuỗi cung ứng trên điện toán đám mây và giúp chính phủ điều phối các cơ quan trực thuộc trong thời gian thực. Nếu không có băng thông rộng cực nhanh, những đổi mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và công nghiệp 4.0 sẽ không khả thi, ông Richard Record, nhà kinh tế trưởng của World Bank Group cho biết trong một diễn đàn ở Penang, Malaysia.

Tuy nhiên, chi phí cao đang là vấn đề cản trở việc sử dụng băng thông rộng cố định ở các quốc gia thành viên ASEAN. Trong số 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN 6), Singapore có chi phí internet tốc độ cao rẻ nhất, chỉ ở mức 0,05 USD/megabit (Mbit) mỗi tháng, tiếp theo là Thái Lan (0,42 USD/Mbit); Indonesia (1,39 USD/Mbit); Việt Nam (2,41 USD/Mbit); Philippines (2,69 USD/Mbit) và đắt nhất là ở Malaysia (3,16 USD/Mbit).

Chi phí cao trong việc sử dụng băng thông rộng cố định đã dẫn đến tỷ lệ tiếp nhận thấp hơn, đặc biệt là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Thực tế, các công ty lớn thường dễ dàng hơn trong việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số để tham gia vào thương mại điện tử. Điều này đi ngược lại với giả định rằng internet mang lại một sân chơi bình đẳng, cho phép các công ty kinh doanh mới hơn, nhỏ hơn tham gia vào thị trường và phát triển mạnh.

Cần hành động nhanh chóng

Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng, khoảng cách kỹ thuật số có nguy cơ ngày càng được nới rộng trong mỗi quốc gia, nơi các công ty lớn thống trị các công ty nhỏ hơn - vốn thiếu nguồn lực để chuyển đổi kỹ thuật số. Điều này có thể làm suy yếu một quốc gia có kế hoạch biến nền kinh tế kỹ thuật số của mình thành một động lực tăng trưởng.

Tương tự, sự phân chia kỹ thuật số giữa các quốc gia trong ASEAN cũng có thể mở rộng khi các doanh nghiệp lựa chọn di dời hoạt động đến các quốc gia có kết nối nhanh nhất và rẻ nhất. Những quốc gia này cũng rất được các nhà đầu tư ưa thích.

Theo ASEAN Post, các công ty khởi nghiệp (start-up) có khả năng tiếp cận tài chính tương đối dễ dàng trong giai đoạn tiền hạt giống và hạt giống. Ở các quốc gia như Malaysia, các chương trình của chính phủ cung cấp tài trợ ban đầu và kết nối với các nhà đầu tư khu vực tư nhân. Tuy nhiên, với chuyên môn và những hướng dẫn thiết thực, các công ty đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng hơn trong giai đoạn tăng trưởng sớm của những công ty này.

Tính đến tháng 3/2018, có 61 công ty đầu tư mạo hiểm đăng ký tại Malaysia, trong khi con số này ở Singapore lên đến 593. Nhiều nhà đầu tư nhấn mạnh rằng, nhiều công ty muốn đăng ký và phát triển ở Singapore vì quốc gia này có chính sách bảo vệ và khuyến khích tốt hơn cho đầu tư nước ngoài.

Do đó, các nước còn lại trong ASEAN 6 phải tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn để lôi kéo vốn tư nhân cho các doanh nghiệp trong nước. Nếu không hành động nhanh chóng, sự phân chia kỹ thuật số giữa các quốc gia ASEAN sẽ mở rộng hơn nữa, gây bất lợi cho các nền kinh tế kỹ thuật số tương ứng.

Với những lỗ hổng kỹ thuật số trong mỗi nước và giữa các quốc gia ASEAN, khối phải đối mặt với nhiều khó khăn trước khi có thể hưởng lợi hoàn toàn từ nền kinh tế kỹ thuật số. Ngoại trừ Singapore, ASEAN đang tụt hậu so với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc thâm nhập băng rộng. Trừ khi khối có hành động nhanh chóng để thu hẹp khoảng cách này, nếu không các thành viên yếu hơn có thể thua cuộc trong cuộc đua kỹ thuật số trước các “ông lớn” như Trung Quốc và Ấn Độ - những quốc gia rất cấp tiến trong dịch vụ công nghệ thông tin và nhân lực lành nghề.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ The ASEAN Post, Telstraglobal & Economist)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

TIN MỚI

Return to top