ClockThứ Sáu, 14/04/2017 09:49

Mọi sự chú ý đang đổ về Triều Tiên

Mỹ và đồng minh điều tàu chiến hướng về CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc ra “tối hậu thư” với Bình Nhưỡng, điều quân áp sát biên giới Trung - Triều.

Mỹ - Trung - Hàn huy động tổng lực ngăn Triều Tiên thử hạt nhânChính quyền Donald Trump ưu tiên giải quyết mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên

Binh lính Triều Tiên tại lễ khánh thành khu phức hợp Ryomyong - Ảnh: Reuters
Mọi sự tập trung đang đổ dồn về Triều Tiên, không phải chỉ vì tuyên bố sắp có “sự kiện lớn” của Bình Nhưỡng mà bởi các động thái quân sự dồn dập của các nước trong khu vực Đông Bắc Á.

“Sự kiện lớn”

Trong lúc tình hình ngày càng căng như dây đàn, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bất ngờ xuất hiện, tươi cười vẫy tay chào người dân khi khánh thành khu phức hợp Ryomyong ở Bình Nhưỡng ngày 13/4.

Khoảng 200 nhà báo quốc tế đã có mặt ở Triều Tiên để đưa tin về lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 đã không bỏ lỡ cơ hội ghi lại khoảnh khắc này. Họ cũng chính là những người trước đó đã nhận được thông báo nên chuẩn bị cho một “sự kiện lớn” sắp diễn ra.

Chính quyền Bình Nhưỡng không thông báo cụ thể sự kiện đó là gì. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng như hiện tại, tuyên bố và các động thái của Bình Nhưỡng là đáng chú ý và đang làm dấy lên những lo ngại.

Theo báo Pravda Report, 25% dân số của thủ đô Bình Nhưỡng (khoảng 600.000 người) đã được lệnh sơ tán để chuẩn bị cho “sự kiện lớn”. Từ Bình Nhưỡng, tối 12/4 phóng viên Jeremy Koh của Channel News Asia cũng cho biết: “Chúng tôi được yêu cầu sẵn sàng rời đi lúc 6h20 sáng nhưng không có thông tin tại sao lại 
làm vậy”.

38 North, chuyên trang về Triều Tiên của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), ngày 12/4 đã công bố những hình ảnh vệ tinh được chụp cùng ngày tại bãi thử hạt nhân Punggye Ri của Triều Tiên, cho thấy tiếp tục có các hoạt động đáng ngờ tại khu vực này.

Năm vụ thử hạt nhân lần trước của Bình Nhưỡng đều được tiến hành tại khu vực này. 38 North nhận định các chỉ dấu lần này cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu, có thể là ở dưới lòng đất, trong một đường hầm đã được rút nước và để khô thoáng cách đây 10 ngày.

Năm 2012, Triều Tiên từng bắn một tên lửa đạn đạo tầm xa để mừng kỷ niệm sinh nhật của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Sẵn sàng chiến đấu

Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một bài xã luận ngày 13/4 đã bắn đi một thông điệp mang tính chất như một tối hậu thư với Triều Tiên: hoặc là Bình Nhưỡng chọn hạt nhân, hoặc là chọn được Bắc Kinh bảo vệ.

Trên thực địa, theo Hãng thông tấn UPI, tất cả năm quân khu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được yêu cầu duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Các lữ đoàn thiết giáp và cơ giới của PLA đóng tại các tỉnh Sơn Đông, Chiết Giang và Vân Nam nhận được lệnh khẩn từ trung ương.

Khoảng 25.000 binh sĩ thuộc lữ đoàn thiết giáp số 9, tập đoàn quân số 47 đã nhận được lệnh sẵn sàng cơ động áp sát biên giới Triều Tiên trong trường hợp cần thiết.

Ở ngoài biển, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang tiếp tục hướng về bán đảo Triều Tiên. Ngày 13/4, Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cho biết Tokyo đã quyết định đưa tàu khu trục nhập vào đội hình của USS Carl Vinson.

Washington trước đó tuyên bố động thái đưa tàu sân bay hướng về Triều Tiên xuất phát từ việc Bình Nhưỡng trước đó đã bắn tên lửa về vùng biển Nhật Bản.

Trong khi đó tại Hàn Quốc - một quốc gia đồng minh khác của Mỹ, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se để ngỏ khả năng Washington đang chuẩn bị tiến hành không kích phủ đầu Bình Nhưỡng.

Ông Yun chỉ nói chung chung tin rằng Hàn Quốc sẽ được tham vấn trước nếu Mỹ quyết động thủ với Triều Tiên, theo Hãng tin Yonhap.

Tên lửa Triều Tiên đủ sức đe dọa Mỹ

Theo các chuyên gia quân sự, về lý thuyết, một số tên lửa hiện có của Triều Tiên đủ sức đe dọa các căn cứ quân sự của Mỹ tại Đông Bắc Á, cụ thể là Hàn Quốc. Washington hiện đang duy trì 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc và hơn 54.000 binh sĩ tại Nhật Bản.

Tổng hành dinh của Hạm đội 7 của Mỹ đặt tại căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản và là lực lượng hải quân hùng hậu bậc nhất châu Á, với khoảng 70 tàu chiến các loại, trong đó có 1 tàu sân bay.

 

Theo Tuổi trẻ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top