ClockThứ Bảy, 11/06/2016 09:58

Mỹ-Ấn: sự gắn kết mới sau nhiều thập kỷ

TTH - Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa có chuyến thăm chính thức đến Mỹ với tư cách là một trong những đối tác quan trọng cuối cùng trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 6-8/6 được đánh giá là cơ hội lớn để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới sau nhiều thập kỷ mất lòng tin và nỗ lực hòa giải.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng hôm 7/6. Ảnh: Reporter

Đỉnh cao nỗ lực

Theo nhận định của ông Ashley Tellis, một chuyên gia của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Washington: “Quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi quả thật là một trong những bất ngờ không thể đoán trước trong suốt 2 năm qua”.

Sau nhiều thập kỷ, quan hệ Mỹ-Ấn Độ đối diện với nhiều khó khăn liên quan đến tâm lý nghi kỵ còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh và hoạt động phát triển bí mật một quả bom hạt nhân của New Delhi. Chính vì thế, việc phát triển quan hệ song phương Mỹ-Ấn Độ được đánh giá là một thành công lớn trong chính sách đối ngoại của ông Obama. Trong đó, Washington coi New Delhi là một đối tác an ninh tin cậy trong khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, một phần quan trọng của chính sách tái cân bằng châu Á, đồng thời là một đối trọng trước Trung Quốc. 

Chuyên gia Tellis cũng gọi chuyến thăm Washington của Thủ tướng Modi là một trong những “đỉnh cao” của những nỗ lực mà ông Obama luôn cố gắng thực hiện trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Gắn kết quan hệ quốc phòng, an ninh

Mỹ chủ trương tìm cách tăng cường hợp tác với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc phát triển công nghệ, mà trọng tâm là Sáng kiến Công nghệ quốc phòng và thương mại. Về phía mình, Ấn Độ tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong hai lĩnh vực chính là công nghệ phát triển động cơ cho máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến và hệ thống phóng máy bay bằng điện tử.

Hiện nay, Quân đội Ấn Độ đang tiến hành các cuộc tập trận với Mỹ nhiều hơn với bất kỳ quốc gia nào khác. Thêm vào đó, Washington và New Delhi cũng đang tiến tới việc ký kết một thỏa thuận cho phép quân đội hai nước sử dụng căn cứ quân sự của mỗi bên trong trường hợp cần thiết.

Có thể nói, cơ hội hợp tác lớn nhất giữa hai nước là quan hệ quốc phòng, an ninh. Sau nhiều năm trì hoãn, nhất là sau khi chương trình mua máy bay chiến đấu đa chức năng tầm trung (MMRCA) bị hủy bỏ, Chính phủ Ấn Độ hy vọng sở hữu một mẫu máy bay mới nhằm tăng cường sức mạnh không quân quốc gia.

“Điều này sẽ làm thay đổi quan hệ Mỹ-Ấn Độ, bởi đó là hợp tác quốc phòng lớn nhất mà Washington từng có”, ông Tellis cho hay.

Được biết, Washington hiện là một trong số những nhà cung cấp quốc phòng lớn nhất của New Delhi. Các giao dịch quốc phòng giữa hai nước giữ mức 14 tỷ USD từ năm 2007 đến thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên theo ông Tellis, đây chỉ mới là sự khởi đầu trong quan hệ và quá trình này sẽ tiếp tục phát triển trong khoảng 10-15 năm tới.

Về hợp tác hạt nhân, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói hôm 7/6 rằng, kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân tại Ấn Độ của công ty Westinghouse Electric Toshiba Corp sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới của hợp tác hạt nhân và khoa học giữa Ấn Độ với Mỹ.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng cam kết thúc đẩy nghiên cứu và phát triển an ninh mạng song phương, bao gồm phát triển các sản phẩm, thử nghiệm và đào tạo.

Chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Washington, Thủ tướng Ấn Độ nhất trí hướng tới việc gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm nay, trong bối cảnh Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ.

“Chúng tôi đã thảo luận cách làm cho Hiệp định Paris có hiệu lực càng sớm càng tốt”, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với các phóng viên trong cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục.

“Ấn Độ và Mỹ nhận thấy sự cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu. Mỹ tái khẳng định cam kết của mình trong việc tham gia thỏa thuận. Ấn Độ cũng bắt đầu thực hiện các hành động cần thiết để hướng tới mục tiêu chung này”, theo bản tuyên bố chung được hai nhà lãnh đạo ký kết.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ Nytimes, Reuters & Ibtimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Năm vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ cần giải quyết

Trong bất kỳ cuộc bầu cử người đứng đầu nào, kể cả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này, bất kỳ ứng cử viên nào được tuyên bố là người chiến thắng đều phải thực hiện cam kết của mình để giải quyết 5 lĩnh vực ảnh hưởng đến phúc lợi và tương lai của nền kinh tế.

Năm vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ cần giải quyết
Return to top