Nhiệt độ tăng lên mức cao mới
Nhiệt độ được ghi nhận trong 2 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức cao mới, sau 1 năm mà “tất cả các kỷ lục tăng nhiệt trước đó đều bị phá vỡ”, cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết.
Diễn biến thời tiết năm 2016 phức tạp hơn do ảnh hưởng của El Nino. Ảnh: Internet
WMO chỉ ra rằng, nhiệt độ bề mặt trái đất và đại dương đã đạt mức kỷ lục trong năm 2015, mực nước biển không ngừng dâng cao, vỏ băng địa cực giảm và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện trên toàn cầu.
“Tỷ lệ đáng báo động của biến đổi khí hậu mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là kết quả của khí thải nhà kính với mức độ chưa từng có trong hồ sơ ghi chép thời kỳ hiện đại”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết trong một tuyên bố.
Xu hướng không ngừng tăng
Ông Dave Carlson, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới khuyến cáo, nhiệt độ tăng trong năm nay là “đặc biệt đáng báo động”, đồng thời nhận định thực tế này đang làm cho các nhà nghiên cứu khí hậu “bối rối”.
“Có một xu hướng đang không ngừng tăng lên. Nhiệt độ cao đột biến cho đến thời điểm hiện nay gây nên sự chấn động trong cộng đồng khoa học khí hậu”, ông Dave Carlson nói với các phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ).
Trong một động thái liên quan, WMO cũng lên tiếng xác nhận những phát hiện của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) hồi tuần trước rằng, tháng 2 vừa qua là tháng 2 nóng nhất kể từ khi các ghi chép trong thời kỳ hiện đại được bắt đầu, với nhiệt độ trung bình đạt mức 1,21 độ C, trên mức trung bình của thế kỷ XX.
Nhiệt độ tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm nay có thể được chứng kiến rõ nhất ở vùng cực Bắc bán cầu, với diện tích băng bao phủ ở Bắc băng dương giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 2, WMO cho hay.
Đó là “một dấu hiệu khá mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một hiện tượng như vậy trước đây”, Tổng thư ký WMO phát biểu trong một cuộc họp báo.
Cũng theo WMO, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển vượt ngưỡng 400 phần triệu (ppm) trong 2 tháng đầu năm nay.
Báo cáo hôm 21/3 được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia thành viên của LHQ đã thông qua một hiệp định về chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc COP21 ở Paris hồi tháng 12 năm ngoái. Hiệp định này nhằm “hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu thấp hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời tiếp tục nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5 độ C”.
Tuy nhiên, ông Taalas cảnh báo rằng: “Hành tinh của chúng ta đang gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo thế giới, những người đã ký kết và đang thực hiện hiệp định tại Paris ngay bây giờ, trước khi chúng ta vượt qua những thời điểm không thể nào quay lại”.
“Mặc dù con người có thể ngăn chặn những kịch bản tồi tệ nhất với các biện pháp cấp bách và sâu rộng để cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide, kế hoạch chống biến đổi khí hậu được các quốc gia thông qua cho đến nay có thể không đủ mạnh để tránh sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 3 độ C”, ông Taalas khẳng định.
Hiện tượng khí hậu El-Nino được cho là một trong những nguyên nhân làm nhiệt độ tăng cao trong năm 2015 và năm nay. El-Nino “tạo ra rất nhiều nhiệt vào khí quyển, nhiệt ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu trong một hoặc nhiều năm, kể cả sau khi hiện tượng thời tiết này suy yếu và biến mất”. Đáng chú ý, “một năm sau khi El-Nino xuất hiện thường là một năm rất nóng”, ông Carlson nhấn mạnh.
Việt Nam nằm trong vùng bị ảnh hưởng
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino từ cuối năm 2015, nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng tại nhiều khu vực ở nước ta, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Với những tác động của El Nino, lượng mưa rơi vào tình trạng thiếu hụt khoảng 15-30% trung bình nhiều năm, nhiều khu vực không có mưa dẫn đến khô hạn nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, trồng trọt và sinh hoạt của người dân.
Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng ở 2 khu vực nói trên là hơn 177.000 hecta. Trong đó các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có trên 10.000 hecta và Tây Nguyên có gần 167.000 hecta. Các chuyên gia dự báo, tình trạng khô hạn vẫn tiếp tục tác động cho đến vụ Hè thu năm nay.
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, mùa khô ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ bắt đầu từ tháng 12/2015 và kéo dài đến hết tháng 8/2016, khu vực Tây Nguyên sẽ tiếp tục đến hết tháng 4/2016.
LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ AFP, The Guardian & Abcnews)