Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP
Tuy nhiên, cuối tháng trước, bà Merkel tuyên bố sẽ rút lui khỏi cuộc đua vào vị trí Thủ tướng nhiệm kỳ kế tiếp. Các nhà lãnh đạo EU nhận định rằng, điều này cho thấy phần nào sự mất quyền lực của nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu và sẽ là nguy cơ lớn đối với khối này.
Vai trò với EU
Theo tờ Politico, sự rút lui của Thủ tướng Merkel sẽ là một bước ngoặt lớn đối với EU. Không có nhà lãnh đạo nào thống trị các vấn đề châu Âu như bà trong suốt 13 năm qua. Có thể nhiều người khác đã xây dựng châu Âu, nhưng chính bà Merkel là người đảm nhận nhiệm vụ khó hơn nhiều khi duy trì và gắn kết các nước trong khối với nhau.
Vì lẽ đó, việc bà Merkel ra đi sẽ tạo ra một khoảng trống chắc chắn là điều không thể tránh khỏi, bất kể người đứng trên vị trí lãnh đạo chính trị của Đức kế nhiệm bà là ai.
Trong nhiều năm, tại bất kỳ cuộc họp nào của các nhà lãnh đạo châu Âu, mọi ánh mắt đều đổ về phía bà Merkel. Không có gì được quyết định cho đến khi Thủ tướng Đức lên tiếng. Nhiều người cho rằng điều đó đơn thuần chỉ vì quy mô và quyền lực của nước Đức. Tuy nhiên, theo những người đồng nghiệp của bà, đó chỉ là một phần nguyên nhân.
“Bà Merkel nhận được sự tôn trọng, thậm chí từ cả những người bất đồng quan điểm với bà”, một Thủ tướng kỳ cựu phe trung hữu, người đã quan sát bà Merkel trong vô số các cuộc họp thượng đỉnh suốt nhiều năm qua nhận xét.
Với vai trò đó, không khó để hiểu vì sao ngay cả những người thường chỉ trích bà Merkel cũng đang rất lo ngại về khả năng ra đi của bà trong thời gian tới. Điều gì sẽ xảy ra với các vấn đề của châu Âu nếu quyền lực của Thủ tướng Đức Merkel bị suy yếu, nhất là với các chính sách đang rất được quan tâm hiện nay?
Bảo vệ đồng euro và các kế hoạch khác
Giữa bối cảnh nhiều thách thức hiện tại, Pháp và Đức đang lên kế hoạch về một giải pháp để bảo vệ đồng euro và chuẩn bị tốt hơn cho eurozone trước các cuộc khủng hoảng. Mới đây, 2 nước đã đạt được thống nhất về những điểm chính trong kế hoạch ngân sách cho khu vực và đệ trình lên các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung tại Brusells (Bỉ). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 18/11 cũng đã có chuyến thăm Đức và có các hoạt động chung với Thủ tướng Angela Merkel, trong một động thái nhằm thắt chặt mối quan hệ Pháp – Đức và thúc đẩy các dự án châu Âu đầy tham vọng. Giới chuyên gia cho rằng, Tổng thống Pháp cần có sự hợp tác của nhà lãnh đạo Merkel cho một liên minh ngân hàng toàn diện, và cần bà ở một vị thế chính trị vững chắc để thực hiện điều đó, bao gồm cả sự ủng hộ của phe bảo thủ trong Nghị viện Đức.
Ủy viên châu Âu phụ trách Kinh tế, Tài chính và Thuế quan Pierre Moscovici từng bày tỏ lo ngại rằng, những bất đồng về ngân sách có thể leo thang nếu Đức không đứng ra làm trung gian hòa giải. Rõ ràng, tới thời điểm hiện tại, nước Đức dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Merkel nói riêng và liên minh Đức-Pháp nói chung vẫn được xem là trụ cột của Liên minh châu Âu (EU) và có vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của EU.
Sau khi Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo CDU, Ủy viên châu Âu về Ngân sách và Nhân sự Günther Oettinger vẫn tuyên bố ủng hộ bà bởi EU vẫn muốn thấy bà Merkel tại vị trong 3 năm tới, bởi bà chính là người giúp mang lại sự ổn định cho khối trong những thời điểm rối ren.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp và lược dịch từ Deutsche Well & Politico)