Ông Frank-Jürgen Richter, người sáng lập và Chủ tịch của Horasis trả lời phỏng vấn tờ BRINK Asia. Ảnh: BRINK Asia)
Ông Frank-Jürgen Richter, người sáng lập và Chủ tịch Cộng đồng Tầm nhìn Toàn cầu Horasis, đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Horasis 2018 từ ngày 25-27/11 tại tỉnh Bình Dương, vừa có bài trả lời phỏng vấn với tờ BRINK Asia về tầm quan trọng của ASEAN trong bối cảnh xung đột thương mại, kết nối và hội nhập ASEAN, cũng như những thách thức đối với khu vực và các lĩnh vực có cơ hội.
Trong bối cảnh xung đột thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, tầm quan trọng của ASEAN tăng lên như thế nào, thưa ông?
Nếu chúng ta xem xét thống kê thương mại của ASEAN năm 2017, chúng ta thấy rằng, 17% thương mại hàng hóa của ASEAN là với Trung Quốc và 9% với Mỹ (trong khi với Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) lần lượt là 8,5% và 10%). Mặt khác, thương mại nội khối ASEAN chiếm 23% tổng thương mại ASEAN. Vì vậy, trong khi thương mại với Trung Quốc và Mỹ là quan trọng, thì thương mại nội địa, nội khối luôn là một mục tiêu của ASEAN.
Khi các tranh chấp thương mại phát sinh, nhiều khía cạnh thương mại bị chậm lại. Kết quả là, tăng trưởng quốc gia thấp hơn, ảnh hưởng đến phúc lợi chung của người dân.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận tích cực, ASEAN có một nhân khẩu học tương đối trẻ, với nhiều người hơn EU hay Bắc Mỹ, và về tổng thể, ASEAN sẽ được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 6 toàn cầu. Tỷ lệ nghèo đói của khối đã giảm mạnh, vượt xa các mục tiêu thiên niên kỷ. Những yếu tố này báo trước điềm tốt cho tương lai một khi các tranh chấp thương mại này được giải quyết.
Quan điểm của ông về thách thức kết nối của ASEAN?
Đầu tiên chắc chắn là một tương lai kỹ thuật số. Trên toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển đổi sang số hóa lớn hơn, nhất là khi 5G được ra mắt và Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (Internet of Things) có thể liên kết mọi thiết bị điện tử với nhau. Một số quốc gia trên khắp khu vực châu Á đã dẫn đầu việc thúc đẩy kỹ thuật số. Chẳng hạn như, Trung Quốc hiện có người tiêu dùng tầng lớp trung lưu trực tuyến khổng lồ, trong khi Ấn Độ di chuyển nhanh hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt.
Trong bối cảnh này, giải quyết khoảng cách kỹ thuật số trong ASEAN là điều then chốt. Internet cũng là một con đường mà qua đó thương mại điện tử và chăm sóc y tế có thể được đẩy mạnh đến các vùng sâu vùng xa. Thế nhưng, điều này đòi hỏi các Chính phủ phải thúc đẩy kết nối kỹ thuật số.
Thứ 2 là kết nối vật lý, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc là một sáng kiến có tác động đáng kể, ngay cả trong khu vực ASEAN. Sáng kiến này đặt mục tiêu kích thích các nền kinh tế, gần như trên toàn cầu. Ở đâu, khi nào và như thế nào sự kích thích này sẽ phát triển, hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá. Bên cạnh đó, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể bổ sung cho Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN như thế nào vẫn là điều chưa hiện rõ.
Đâu là cơ hội lớn nhất của ASEAN trong những năm sắp tới, thưa ông?
Tôi cho rằng, cơ hội lớn của ASEAN nằm trong việc trao quyền cho giới trẻ bằng giáo dục tốt hơn. Thông qua việc giáo dục nhân khẩu học trẻ tuổi, những người sẽ nắm lấy số hóa và thúc đẩy các giải pháp mới, tôi tin tưởng ASEAN sẽ chứng kiến những lợi ích kinh tế và xã hội có ý nghĩa trong dài hạn.
Rõ ràng là thương mại điện tử và việc sử dụng robot ngày càng tăng sẽ thay thế một số người lao động trong tương lai, thông qua việc đào tạo lại cẩn thận và hỗ trợ xã hội tốt hơn, những lao động này sẽ có khả năng tìm được công việc khác, hoặc thậm chí tốt hơn.
Các Chính phủ trong khu vực có vai trò quan trọng nhất trong vấn đề này, bởi tôi tin rằng, khi chúng ta nhìn thấy việc sử dụng tự động hoá trong các quy trình sản xuất và việc sử dụng công nghệ trên hầu hết các khía cạnh của đời sống kinh tế ngày càng tăng, các quốc gia được chuẩn bị tốt sẽ đứng lên để đạt được lợi ích.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ BRINK Asia)