Tạo điều kiện pháp lý
Tờ Nikkei Asian Review ngày 12/4 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang trong quá trình tạo lập khuôn khổ pháp lý để "trải thảm đỏ" mời nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xây dựng các dự án về cơ sở hạ tầng.
Dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Ảnh: Enternews
Một trong những dự án trọng điểm là xây dựng tuyến đường cao tốc dài 1.800km nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, con đường lớn nhất nước với tối đa 10 làn xe. Cao tốc Bắc - Nam trị giá 13 tỷ USD này được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời có thể làm thay đổi hệ thống phân phối trên toàn bộ bán đảo Đông Dương.
Trong tình hình hiện tại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Việt Nam đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản. Được biết, trong chuyến thăm Nhật Bản đang diễn ra cho đến ngày 15/4, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ gặp gỡ các thành viên chính phủ cũng như giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, thảo luận về cơ hội hợp tác đầu tư.
Cũng theo Nikkei, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là trọng tâm của quá trình soạn thảo các điều luật liên quan, như phân bổ rủi ro và lợi nhuận. Quá trình này dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay, với sự đóng góp từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, muốn giúp các công ty Nhật Bản "cảm thấy an toàn trong việc tham gia" vào các dự án.
Chú trọng mô hình PPP
Lâu nay, các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), chủ yếu dưới dạng vốn vay từ các tổ chức quốc tế, làm gia tăng gánh nặng nợ cho chính phủ. Trong năm 2016, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đã lên tới 64,7%, gần chạm trần mà Quốc hội cho phép ở mức 65%.
Trước bối cảnh đó, Việt Nam dự kiến sẽ thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Bộ trưởng Dũng cũng nhận định, "Việt Nam hiện nay có nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã được lên kế hoạch. Hình thức PPP sẽ rất cần thiết".
Theo ông, dự án đường cao tốc Bắc-Nam được kỳ vọng sẽ là kiểu mẫu về hợp tác công tư cho các dự án cơ sở hạ tầng khác, trong đó có sân bay quốc tế Long Thành ở phía Nam, đường sắt cao tốc, hệ thống trung chuyển khu vực đô thị bằng metro và các nhà máy điện. Sự hợp tác theo mô hình này có thể giúp giảm thiểu chi tiêu của chính phủ và cho phép thu hút bí quyết từ các doanh nghiệp tham gia.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan và Philippines cũng đang phát triển hình thức hợp tác PPP, nhất là khi gánh nặng nợ ngày càng lớn và ngân quỹ bị thắt chặt. PPP thường được sử dụng trong nhiều mảng thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường sắt, sân bay, hệ thống phân phối. Từ năm ngoái, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bắt đầu cung cấp dịch vụ trung gian giữa các chính phủ và các doanh nghiệp khi xúc tiến PPP.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà đầu tư e ngại là hình thức hợp tác công tư sẽ mất nhiều thời gian để thu hồi vốn và sinh lãi, đồng thời mức lợi tức cũng không dễ tính toán.
TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Nikkei & Asiabriefing)