|
Toàn cảnh phiên họp thuộc Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79. Ảnh minh họa: TTXVN/Báo Quân đội Nhân dân |
Cuộc họp do Brazil chủ trì và chào đón sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Tại đây, các đại biểu tranh luận về cải cách quản trị toàn cầu và triển khai các biện pháp toàn cầu nhằm giải quyết đói nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng công bằng, cùng nhiều vấn đề khác.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các thể chế toàn cầu cùng nhau hợp tác để giải quyết nhiều thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay, gồm bất bình đẳng, thúc đẩy tài trợ cho quá trình phát triển, giải quyết khủng hoảng khí hậu và tác động của công nghệ mới.
Trong tất cả các lĩnh vực này, tiến độ đang dần chậm lại khi thế giới đang ngày càng trở nên không bền vững, bất bình đẳng và chuyển biến khó lường. Qua đây, vị Tổng thư ký cũng cảnh báo rằng các cuộc xung đột đang diễn ra, khủng hoảng khí hậu đang gia tăng và bất bình đẳng nghiêm trọng, cũng như công nghệ mới đang cho thấy nhiều vấn đề, cả về mặt lợi và hại.
Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, các thành viên G20 có thể hành động trong 3 lĩnh vực cụ thể, gồm tài chính; khí hậu; và các thể chế, công cụ toàn cầu mạnh mẽ, toàn diện và hợp pháp để giải quyết những thách thức của hôm nay và ngày mai.
Lưu ý, cộng đồng quốc tế cần cải cách cấu trúc tài chính quốc tế để có thể đại diện đầy đủ cho nền kinh tế toàn cầu ngày nay, qua đó có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Philémon Yang, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cho biết, G20 vẫn là nền tảng quan trọng để giải quyết những thách thức kinh tế toàn cầu, thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.
Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao G20 diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi thế giới đang đoàn kết để hành động trước nhu cầu cấp thiết phải khôi phục cấu trúc đa phương, đảm bảo cấu trúc này phù hợp để giải quyết những thách thức đang còn tồn tại. Đồng thời, G20 cũng được kêu gọi thực hiện các bước quyết đoán để thúc đẩy kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, đặc biệt là trong nỗ lực cải cách cấu trúc tài chính quốc tế để làm cho nó trở nên công bằng và hiệu quả hơn cho tất cả các quốc gia.
Đại diện cho Chủ tịch G20 năm 2024, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh, G20 không thể trốn tránh trách nhiệm của mình trước những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra và yêu cầu khối có những hành động hiệu quả trong cuộc chiến chống nạn đói và cải cách toàn diện tiến trình quản lý thể chế đa phương.