|
Người lao động xếp hàng chờ phỏng vấn xin việc tại tiểu bang Virginia, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Cụ thể, tại một cuộc họp cấp cao do Brazil đăng cai tổ chức tại thành phố Fortaleza của nước này vào cuối tháng 7 vừa qua, các bộ trưởng đã nhất trí về một loạt biện pháp toàn diện nhằm giải quyết những thách thức của thị trường lao động toàn cầu, đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng và thúc đẩy việc làm thỏa đáng.
Các bộ trưởng cũng cam kết tạo ra những việc làm chất lượng, thúc đẩy hòa nhập xã hội, và xóa bỏ đói nghèo thông qua các chính sách được phối hợp về xã hội, kinh tế và môi trường.
Đẩy nhanh nỗ lực
“Trong một thế giới liên tục phải vật lộn với những thách thức và các cuộc khủng hoảng mới, một điều ngày càng rõ ràng hơn là chúng ta cần đẩy nhanh nỗ lực để biến công lý xã hội thành hiện thực cho tất cả mọi người. Điều này đòi hỏi một loạt các chính sách xã hội được phối hợp tốt, bao gồm bảo vệ xã hội và các chính sách khác để đảm bảo sự hòa nhập xã hội”, ông Gilbert F. Houngbo nhận định.
Người đứng đầu ILO giới thiệu Cổng thông tin chính sách xã hội G20. Cổng thông tin này được phát triển với sự hợp tác của Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA), nhấn mạnh tầm quan trọng của các hệ thống bảo trợ xã hội toàn cầu và các thể chế thị trường lao động mạnh mẽ trong việc giải quyết bất bình đẳng và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, ông Gilbert F. Houngbo cũng ca ngợi việc ra mắt Liên minh Toàn cầu chống đói nghèo; đồng thời cho rằng: “Tham gia liên minh này không chỉ là mệnh lệnh đạo đức, mà còn là bước đi quan trọng hướng tới việc xây dựng một thế giới việc làm công bằng và bền vững hơn”.
Trước đó, Tổng thống Brazil, Chủ tịch G20 năm 2024 đã nhấn mạnh, liên minh toàn cầu này sẽ là chìa khóa để chấm dứt đói nghèo, một vấn đề hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh của nhân loại.
Tận dụng công nghệ
Liên quan đến việc sử dụng các công nghệ như một phương tiện để cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người, Phó Tổng Giám đốc ILO, bà Celeste Drake khẳng định, việc tận dụng và khai thác những công nghệ này tại nơi làm việc đồng nghĩa với việc tôn trọng các nguyên tắc và quyền lợi cơ bản tại nơi làm việc, và khuyến khích đối thoại xã hội.
Bà Celeste Drake cũng tuyên bố việc ra mắt một cơ quan quan sát của ILO về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và việc làm trong nền kinh tế kỹ thuật số vào tháng 9 tới đây, và một cuộc thảo luận về việc thiết lập tiêu chuẩn vào năm 2025 liên quan đến công việc thỏa đáng trong nền kinh tế nền tảng.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc ILO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các con đường chuyển đổi công bằng để đạt được công việc thỏa đáng và công lý xã hội. Trong đó, Diễn đàn Lãnh đạo về chuyển đổi công bằng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các nhà lãnh đạo G20, các chính phủ, người sử dụng lao động và các tổ chức của người lao động trong việc cùng nhau hành động để giải quyết các tác động xã hội của vấn đề biến đổi khí hậu đối với các thị trường lao động.
Bình đẳng giới cũng nằm trong chương trình nghị sự của các cuộc họp. Các bộ trưởng tham dự đã tái khẳng định cam kết thu hẹp khoảng cách giới trong việc tham gia thị trường lao động theo Mục tiêu Brisbane, nhằm thu hẹp 25% khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia thị trường lao động vào năm 2025, và đẩy nhanh tiến bộ về bình đẳng giới.
Tại một sự kiện bên lề của Liên minh quốc tế về tiền lương bình đẳng (EPIC), bà Celeste Drake nói thêm: “Nhìn về phía trước, để đạt được Mục tiêu Brisbane vào năm 2025, các quốc gia cần tiếp tục củng cố nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, và tạo ra các xã hội toàn diện và công bằng hơn”.
Qua đó, Phó Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh nhu cầu tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện an ninh thu nhập của phụ nữ, giải quyết khoảng cách tiền lương theo giới tính và cải thiện các điều kiện cho công việc chăm sóc được trả lương.