|
|
Các Bộ trưởng Bình đẳng giới G9 nhóm họp ở Tochigi, Nhật Bản nhằm tìm cách giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng giới. Ảnh minh hoạ: Reuters |
Theo kế hoạch, các bộ trưởng sẽ thông qua một tuyên bố chung vào hôm nay (25/6) sau cuộc họp ở Nikko, tỉnh Tochigi, trong đó nhiều khả năng các bộ trưởng sẽ nhất trí với các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề như khoảng cách tiền lương theo giới tính, tìm giải pháp cho sự sụt giảm cơ hội việc làm giành cho phụ nữ, quan chức chính phủ Nhật Bản phụ trách cuộc họp cho biết.
Ở các nước G7 (bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada, Mỹ và Liên minh châu Âu EU), nam giới được trả lương trung bình cao hơn 14,4% so với nữ giới vào năm 2021, cao hơn mức chênh lệch trung bình 11,7% giữa các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về cách thúc đẩy sự thăng tiến cho phụ nữ vào các vị trí được trả lương cao tại các công ty và tìm cách tăng cường tính minh bạch của quản trị doanh nghiệp đối với các chính sách bình đẳng giới.
Đồng thời, cuộc họp của các bộ trưởng G7 cũng sẽ tập trung vào những lo ngại rằng đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng xấu đến bình đẳng giới và chia sẻ những lo ngại về sự gia tăng bạo lực gia đình trong thời gian phong tỏa, cũng như việc phụ nữ có thể bị buộc phải giảm số giờ làm việc nhiều hơn nam giới để chăm sóc con cái, tạo ra khoảng cách lớn về thu nhập giữa hai giới.
Được biết, Bộ trưởng Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Nhật Bản Masanobu Ogura đang chủ trì cuộc họp trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng đối với nước chủ nhà G7 năm nay vì nước này tụt hậu so với các nước khác về bình đẳng giới.
Một cuộc khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 21/6 cho thấy Nhật Bản xếp thứ 125 trong số 146 quốc gia trong bảng xếp hạng khoảng cách giới tính năm 2023, và tiếp tục ở vị trí cuối cùng trong các nước G7 và thấp nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Kết quả được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các nhà vận động bình đẳng giới vì họ cho rằng chính phủ đang thiếu hành động trước tỷ lệ tham gia thấp của phụ nữ vào lĩnh vực chính trị và kinh tế.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Kyodo News)