|
AMRO dự báo, các nền kinh tế ASEAN+3 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 4,2% trong năm nay. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn |
Tuy nhiên, dự báo mới nhất đối với khu vực ASEAN+3 thể hiện sự giảm nhẹ 0,2% so với mức 4,4% được đưa ra trong dự báo quý III hồi đầu tháng 7/2024, chủ yếu là do điều chỉnh giảm ở Trung Quốc và Việt Nam. Những bất ổn về tăng trưởng ở các nền kinh tế, như tăng trưởng quý II ở Trung Quốc thấp hơn dự kiến và biến động gia tăng của thị trường tài chính, trong khi Việt Nam cũng báo cáo mức tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng, đã góp phần dẫn tới việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2024 của cả khu vực, AMRO giải thích.
Đến năm 2025, khu vực ASEAN+3 dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng cải thiện lên 4,4%, phù hợp với kỳ vọng về đà tăng trưởng ổn định trong bối cảnh điều kiện tài chính thuận lợi hơn và nhu cầu trong nước phục hồi. Khi tính riêng, các nền kinh tế Plus-3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) ước tính sẽ tăng trưởng 4,3%, trong khi ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm 2025.
Nhà kinh tế trưởng Hoe Ee Khor của AMRO cho rằng “những diễn biến gần đây đã thay đổi bối cảnh rủi ro của khu vực ASEAN+3… Những điều chỉnh thị trường đột ngột nhưng ngắn hạn mà chúng ta chứng kiến vào đầu tháng 8 là lời nhắc nhở về rủi ro từ biến động của thị trường tài chính. Đồng thời, nguy cơ gia tăng các chính sách bảo hộ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới cũng là một mối lo ngại quan trọng khác đối với khu vực này”.
Cũng theo báo cáo, lạm phát năm nay ở khu vực ASEAN+3 - không bao gồm Lào và Myanmar - dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,9%, thấp hơn một chút so với dự báo hồi tháng 7 là 2,1%. Nhìn chung, áp lực lạm phát vẫn được kiểm soát tốt trong khu vực, phù hợp với kỳ vọng về việc giảm lạm phát toàn cầu.
Thực tế, các chỉ số kinh tế gần đây của Mỹ đã gây ra một số lo ngại cho khu vực. Sự suy yếu liên tục trong thị trường lao động Mỹ và Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) đã làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng mạnh hơn, có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực. Ngoài ra, kết quả bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng kinh tế của khu vực.
Các rủi ro khác có thể tính đến bao gồm nguy cơ biến động gia tăng mạnh trên thị trường tài chính và những bất ổn bên ngoài từ căng thẳng địa chính trị có thể tác động đến sự ổn định tài chính vĩ mô trên toàn khu vực.
“Tuy nhiên, ngày càng nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và Trung Quốc gần đây đã công bố một loạt các biện pháp kích thích rộng rãi để hỗ trợ nền kinh tế. Những hành động này sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến phần còn lại của khu vực”, Tiến sĩ Khor lạc quan cho biết.