Thế giới

Các nước châu Á và kế hoạch phê duyệt, sử dụng vaccine COVID-19

ClockThứ Sáu, 11/12/2020 18:28
TTH - Đến nay, dữ liệu thử nghiệm từ các hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech, Moderna và AstraZeneca đã cho thấy, vaccine thử nghiệm của họ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19.

Người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTechThử nghiệm vaccine ngừa COVID-19

Các nước vẫn đang tiếp tục tiến trình xem xét phê duyệt vaccine COVID-19 để sử dụng cho toàn dân. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Trong khi các quy trình quản lý, phê duyệt đang được tiến hành, một số quốc gia châu Á bày tỏ hy vọng nhận được số lượng vaccine ban đầu mong muốn để sử dụng cho người dân trong nước. Về tiến trình, đơn cử một số nước trong khu vực châu Á có thể thấy:

Đối với Australia, quốc gia này đã đảm bảo sẽ mua khoảng 140 triệu liều vaccine COVID-19, bao gồm 53,8 triệu liều từ AstraZeneca, 51 triệu liều từ Novavax Inc, 10 triệu liều từ Pfizer và 25,5 triệu liều từ chương trình phân phối vaccine COVAX. Theo kế hoạch, nước này sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine vào tháng 3/2021.

Trong khi đó, Trung Quốc đã không công bố các hợp đồng cung cấp vaccine với các hãng dược phương Tây, thay vào đó, nước này hợp tác với các công ty tư nhân trong nước để cung cấp vaccine. Cụ thể, vaccine của AstraZeneca có thể sẽ được phê duyệt ở Trung Quốc vào giữa năm 2021 và đối tác phía Trung Quốc là Công ty sản xuất sản phẩm sinh học Shenzhen Kangtai thông tin, dự kiến năng lực sản xuất hằng năm có thể đạt đến ít nhất 100 triệu liều cho đến cuối năm nay.

Tại Nhật Bản, nước này đã có thỏa thuận mua 120 triệu liều từ hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech trong nửa đầu năm tới và 120 triệu liều của AstraZeneca, với 30 triệu liều đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào tháng 3/2021. Ngoài ra, Nhật Bản cũng mua thêm 250 triệu liều vaccine COVID-19 từ Novavax.

Chưa dừng lại ở đó, hiện Nhật Bản cũng có các cuộc đối thoại, thảo luận với Johnson & Johnson và có thỏa thuận với tập đoàn Shionogi & Co., Ltd. Các chuyên gia cho biết các nhà sản xuất vaccine sẽ cần phải tiến hành ít nhất là thử nghiệm giai đoạn I và giai đoạn II tại Nhật Bản trước khi được phê duyệt sử dụng.

Cũng trong khu vực, Hàn Quốc có giao dịch mua 20 triệu liều vaccine cho mỗi hãng dược, bao gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna, thêm 4 triệu liều từ Johnson & Johnson, đủ để sử dụng cho 34 triệu người dân nước này. Khoảng 10 triệu liều bổ sung sẽ được cung cấp qua COVAX. Việc tiêm chủng có thể bắt đầu vào quý II/2021 để có thời gian quan sát các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Đài Loan đặt mục tiêu ban đầu sẽ đảm bảo cung cấp khoảng 15 triệu liều vaccine, tất cả đều được thông qua chương trình COVAX và mua trực tiếp từ nhà sản xuất. Đài Loan hy vọng có thể tiến hành tiêm chủng vào quý I/2021.

Pfizer cũng sẽ cung cấp lô hàng đầu tiên chứa 1 triệu liều vaccine cho Philippines vào quý đầu tiên năm 2021.

Ở Việt Nam, lượng vaccine cung cấp thông qua COVAX sẽ chỉ dùng cho khoảng 20% dân số. Hiện Bộ Y tế và Học viện Quân y đang chính thức khởi động sử dụng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với vaccine Nanocovax trên người. Đây là sản phẩm do công ty của Việt Nam nghiên cứu và sản xuất. Nếu suôn sẻ, đến năm 2021, Việt Nam sẽ có vaccine nội địa...

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Devdiscourse)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khách du lịch đến châu Á dự kiến​​ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2025

Năm 2025, lượng khách du lịch đến châu Á được dự kiến ​​sẽ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19, và tăng 4,7% so với năm 2019, Tạp chí The Business Times ngày 16/12 trích dẫn báo cáo mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường BMI Research, một đơn vị thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Solutions cho hay.

Lượng khách du lịch đến châu Á dự kiến​​ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2025
IMF: Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”

Các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các nền kinh tế châu Á đủ sức chống chịu với biến động và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua các thách thức một cách bình tĩnh, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nội bộ khác nhau bên cạnh việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng.

IMF Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”
Return to top