|
Bảo mật an ninh mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đứng trước nhiều thách thức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trên khắp khu vực, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành nền tảng của các hoạt động kinh doanh và vai trò của AI trong an ninh mạng sẽ mở rộng trong năm tới. Tuy nhiên, trong khi công cụ AI giúp các tổ chức đón đầu mối đe dọa, công nghệ này cũng cung cấp cho tội phạm mạng những công cụ mới.
Trong năm 2025, các công ty sẽ không chỉ dựa vào AI để dự đoán và ngăn chặn các cuộc tấn công, mà còn ưu tiên bảo mật các hệ thống AI của riêng họ. Theo ông Simon Green, Chủ tịch Palo Alto Networks khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, khi các cuộc tấn công an ninh mạng xuất hiện và deepfake (công nghệ tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh giả dựa trên AI) trở thành công cụ lừa đảo chính, các doanh nghiệp sẽ cần sự đổi mới.
Liên quan đến vấn đề này, bà Sarene Lee, Giám đốc quốc gia của Palo Alto Networks tại Malaysia nhấn mạnh: “Hành trình trở thành trung tâm kỹ thuật số của Malaysia mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Để chống lại các mối đe dọa như ransomware (mã độc tống tiền) dưới dạng dịch vụ, và lừa đảo qua mạng do AI điều khiển, các doanh nghiệp Malaysia phải áp dụng những công cụ thống nhất và được AI hỗ trợ, để luôn đi đầu”.
Tiếp đó, công nghệ điện toán lượng tử cũng làm tăng thêm mức độ phức tạp. Mặc dù các cuộc tấn công dựa trên điện toán lượng tử không phải là mối đe dọa ngay lập tức, mà chúng nhắm mục tiêu vào dữ liệu được mã hóa để khai thác trong tương lai. Để bảo vệ các hệ thống quan trọng và dữ liệu nhạy cảm, các tổ chức cần áp dụng những biện pháp như mã hóa hậu lượng tử và phân phối khóa lượng tử an toàn.
Khi AI ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào các quy trình kinh doanh, tính minh bạch sẽ rất quan trọng để duy trì sự tin tưởng của khách hàng. Các cơ quan quản lý tại châu Á - Thái Bình Dương vốn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng AI có đạo đức và các biện pháp bảo mật mạnh mẽ. Các doanh nghiệp phải minh bạch về cách thức hoạt động của các mô hình AI, cách dữ liệu được thu thập và sử dụng, cũng như cách thực hiện các hành động.
Cuối cùng, bảo mật chuỗi cung ứng đang trở thành ưu tiên hàng đầu. Với các “lỗ hổng” trong chuỗi cung ứng ngày càng tăng, các tổ chức sẽ chú trọng hơn vào tính linh hoạt trong năm 2025. Sự chú trọng này bao gồm giám sát theo thời gian thực, đánh giá rủi ro kỹ lưỡng các thành phần phần mềm và biện pháp giải trình mạnh mẽ hơn.
Bối cảnh an ninh mạng vào năm 2025 sẽ được định hình bởi những tiến bộ công nghệ, nhưng cũng bởi các mối đe dọa đang phát triển. Từ mối đe dọa do AI thúc đẩy đến rủi ro từ công nghệ lượng tử, các doanh nghiệp cần duy trì sự nhạy bén và đầu tư vào những biện pháp an ninh mạng mới nhất.