Vắc-xin COVID-19 được Đại học Oxford, Anh nghiên cứu và phát triển. Ảnh minh họa: AP/TTXVN
Theo số liệu mới nhất, có hơn 47 triệu ca nhiễm COVID-19, và hơn 1,2 triệu ca tử vong trên toàn cầu. “Mặc dù đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhiều quốc gia và thành phố đã ngăn chặn hoặc kiểm soát thành công sự lây nhiễm bằng cách tiếp cận toàn diện và dựa trên bằng chứng. Lần đầu tiên, thế giới tập hợp lại về một kế hoạch nhằm thúc đẩy sự phát triển của vắc-xin, chẩn đoán và điều trị cần thiết, đồng thời đảm bảo chúng có sẵn cho tất cả các quốc gia trên cơ sở bình đẳng. Chương trình Hợp tác Toàn cầu Tăng tốc Tiếp cận các Công cụ Ứng phó với COVID-19 đang mang lại những kết quả thực sự”, WHO nhận định.
Bên cạnh đó, thông điệp thứ 2 mà WHO đang nhấn mạnh hiện nay là tầm quan trọng của việc không thờ ơ trước các mục tiêu sức khỏe quan trọng, bao gồm đạt được các mục tiêu đến năm 2023 nhằm có thêm 1 tỷ người trên toàn thế giới được hưởng lợi từ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, thêm 1 tỷ người được bảo vệ tốt hơn khỏi các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, và khoảng 1 tỷ công dân được hưởng sức khỏe và hạnh phúc tốt hơn.
Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới có sự tham gia của các đại diện đến từ hơn 190 quốc gia, đây là kỳ họp thường niên thường diễn ra vào tháng 5, nhưng đã phải rút gọn trong năm nay do COVID-19. Kỳ họp sẽ được tiếp tục trong tuần tới, dự kiến thảo luận về kế hoạch 10 năm nhằm giải quyết các bệnh nhiệt đới bị bỏ quên, và những mối quan tâm khác…
Đối với thông điệp thứ 3, WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải sẵn sàng ngay từ bây giờ cho đại dịch tiếp theo. Theo WHO, các quốc gia có cơ sở hạ tầng mạnh mẽ sẵn sàng để ứng phó các trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ có thể hành động nhanh chóng để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Qua đó, kỳ họp sẽ xem xét một dự thảo nghị quyết nhằm tăng cường sự sẵn sàng của các quốc gia và đảm bảo họ được trang bị tốt hơn để phát hiện và ứng phó với COVID-19, cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ UN News)