Cần nỗ lực vì sự phục hồi và phát triển của toàn thế giới, đặc biệt là trước nhiều thách thức như hiện nay. Ảnh minh họa: Skypixel.com/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Tại đây, các nước sẽ tham gia bàn luận về các mối lo chung bao gồm đại dịch, chính trị và các chính sách cần thiết để đưa thế giới trở lại hành trình phát triển tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, lần họp này sẽ vắng mặt Trung Quốc. Đây được xem là một điều đáng tiếc bởi Trung Quốc là nền kinh tế đóng vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới, có khả năng tạo nên thay đổi đáng kể cho tiến trình phục hồi toàn cầu. Sau tất cả những gì thế giới phải trải qua trong những năm gần đây, đã đến lúc thiết lập lại quan hệ hợp tác hữu nghị Mỹ - Trung để đảm bảo sự phục hồi của thế giới sẽ là ưu tiên cao nhất.
Đoàn kết để cùng phát triển
Có thể nói rằng, những xung đột thương mại trong vài năm qua giữa Washington và Bắc Kinh đã và đang gây tổn hại nghiêm trọng đến “sức khỏe toàn cầu” và điều này cần phải được giải quyết nhanh nhất có thể. Đây chính là thời điểm để Trung Quốc tham gia vào Nhóm G7.
Trên tinh thần của một thế giới đoàn kết, cùng nhau đánh bại đại dịch, không có lúc nào phù hợp hơn lúc này để tập hợp các nguồn lực.
Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 có thể đã đạt đỉnh ở một số quốc gia công nghiệp lớn, tuy nhiên đại dịch vẫn tiếp tục lây lan ở nhiều khu vực khác trên thế giới.
Nếu không có sự hỗ trợ và viện trợ y tế đầy đủ đổ vào các khu vực bị ảnh hưởng, thế giới vẫn phải chịu rủi ro rất cao, đặc biệt là nếu tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục leo thang ở các nước kém phát triển. Đây là một thảm họa nhân đạo đang chực chờ bùng nổ.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP toàn cầu giảm 3,3% vào năm 2020, song khu vực châu Mỹ Latinh lại giảm nhiều hơn, ở mức 7% và Ấn Độ giảm đến 8%.
Triển vọng có vẻ sáng sủa hơn trong năm nay, với IMF dự báo toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại 6% và thương mại thế giới được dự đoán sẽ tăng trưởng 8,4%. Tuy nhiên, nhận định này được đưa ra dựa trên giả định đại dịch sẽ thuyên giảm và niềm tin kinh tế sẽ phục hồi về mức bình thường, không chỉ với các nền kinh tế lớn mà còn cả với toàn thế giới.
Song với tình trạng như hiện nay, viễn cảnh về triển vọng tích cực có vẻ sẽ không được duy trì bởi dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng ở vùng nông thôn của Ấn Độ, và hoàn toàn có thể bùng phát ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á. Trừ khi tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới tăng lên trong những tháng tới, bằng không tiến trình phục hồi toàn cầu có thể bị tổn hại nghiêm trọng.
Chuyển sự chú ý sang hỗ trợ phần còn lại của thế giới
Đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đạt được nhiều thành quả về phục hồi trong nước. Tuy nhiên đây là lúc hai nước cần chuyển sự chú ý và nỗ lực nhiều hơn sang việc giúp đỡ phần còn lại của thế giới đứng vững trở lại.
Cụ thể, tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang cam kết giữ lãi suất gần bằng 0, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đề xuất đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ USD để tái khởi động nền kinh tế Mỹ.
Ở Trung Quốc, các chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng của Bắc Kinh cũng sẽ đảm bảo “sự hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng được dự đoán là sẽ phục hồi đến mức 8,4%, theo IMF.
Câu hỏi đặt ra là vậy những động thái này mang lại lợi ích bao nhiêu cho phần còn lại của thế giới?
Theo đó, một lĩnh vực lớn mà Washington và Bắc Kinh có thể tạo ra tác động lớn là giải quyết sự khác biệt về thương mại. Thương mại thế giới đang dần phục hồi. Điều này được thể hiện thông qua số liệu mới nhất về khối lượng xuất khẩu toàn cầu trong tháng Hai khi tăng đến 5,4% so với một năm trước. Rõ ràng là thâm hụt thương mại Mỹ - Trung vẫn đang hiện hữu với tỷ lệ hằng năm là 335 tỷ USD. Đây vẫn là điểm mấu chốt, song vấn đề này vẫn có thể giải quyết thông qua sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn và cải thiện quan hệ ngoại giao hai nước.
Cả hai quốc gia cần nối lại quan hệ thương mại tự do hơn, cũng như tiếp cận cởi mở hơn với thị trường của nhau, tiến đến thiết lập cam kết chung để cắt giảm thâm hụt song phương trong tương lai. Lợi ích của việc tăng trưởng thương mại nhanh hơn giữa hai nước có thể là rất lớn đối với phần còn lại của thế giới.
Được biết, thâm hụt thương mại có thể được giải quyết bằng cách cải tiến chính sách của cả hai bên. Cả hai quốc gia hoàn toàn có thể làm việc cùng nhau để đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ.
Đan Lê (Lược dịch từ SCMP)