Những bé gái trong một trại tị nạn ở Nam Sudan. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Theo đó, Chương trình Toàn cầu UNFPA-UNICEF nhằm chấm dứt hôn nhân trẻ em, một sáng kiến đa quốc gia giúp bảo vệ quyền của hàng triệu trẻ em gái đã được đưa ra vào năm 2016, với sự tham gia của các gia đình, nhà giáo dục, nhà cung cấp y tế, các Chính phủ, cũng như những nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng, với mục tiêu đầy tham vọng là kết thúc hôn nhân trẻ em vào năm 2030.
Theo UNICEF và Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), chương trình này sẽ được tiếp tục thực hiện thêm 3 năm nữa. Đến năm 2023, chương trình hướng tới mục tiêu hỗ trợ hơn 14 triệu trẻ em gái trên 12 quốc gia ở khu vực châu Phi, Trung Đông, và Nam Á.
Bất chấp sự tiến bộ cho đến nay, "12 triệu trẻ em gái hàng năm vẫn phải kết hôn trong thời thơ ấu, gây ra những thiệt hại không thể đảo ngược đối với tương lai, sức khỏe và hạnh phúc của họ. Những năm tiếp theo của chương trình là rất quan trọng để thúc đẩy động lực, hành động, chấm dứt điều này một lần và mãi mãi", Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore khẳng định.
Trên toàn thế giới, ước tính 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ còn sống hiện nay đã kết hôn khi còn nhỏ, với gần một nửa trong số đó sống ở các quốc gia được hỗ trợ thông qua Chương trình Toàn cầu. Khi một bé gái bị buộc phải kết hôn khi còn nhỏ, cô bé phải đối mặt với những hậu quả ngay lập tức và suốt đời. Tỷ lệ hoàn thành việc học giảm, trong khi tỷ lệ đối mặt với bạo lực gia đình tăng lên.
"Chương trình Toàn cầu cam kết trao quyền cho trẻ em gái thực hiện quyền của mình, khai thác tiềm năng của họ, và thúc đẩy sự thay đổi trong cộng đồng", Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem nói thêm.
THANH NGÂN
(Lược dịch từ Devdiscourse & UN News)