|
Cung thủ Huế trong giờ tập luyện
|
Đầu năm 2014, một chuyên gia bắn cung người Hàn Quốc về làm việc với trường Trung cấp TDTT Huế và tuyển chọn được 3 VĐV nhằm bổ sung vào đội tuyển bắn cung trẻ quốc gia. Và chỉ sau chưa đầy 4 tháng tập luyện, tại giải vô địch bắn cung trẻ toàn quốc 2014, Bích Phương đã giành được HCĐ còn Minh Thạnh và Đức Nam đạt đẳng cấp VĐV cấp I.
Điều đáng nói, xuất phát điểm của 3 VĐV này không liên quan gì đến bắn cung khi Minh Thạnh là VĐV điền kinh, Bích Phương từ karatedo và Đức Nam từ Judo. Trước những thành tích bất ngờ này, các chuyên gia nước ngoài đánh giá rằng sau nhiều năm huấn luyện cho đội tuyển Việt Nam, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến không chỉ 1 mà là đến 3VĐV có sự tiến bộ nhanh đáng kinh ngạc như vậy.
“Thừa thắng xông lên”, vài ba tháng sau, thể thao Thừa Thiên Huế ra mắt bộ môn bắn cung, đồng thời tuyển chọn thêm được 3 VĐV trẻ từ tuyến cơ sở và từ các trường THCS để từng bước đào tạo, hình thành lứa kế cận.
Nhìn qua, quả thật bắn cung có bước khởi đầu khá thuận lợi. Nhưng “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Kinh phí không dồi dào như một số tỉnh thành khác nên mỗi VĐV của Huế chỉ được trang cấp một bộ cung tên tầm trung. Nói tầm trung nhưng đã “ngốn” hơn 100 triệu/bộ. Ngặt nỗi, nếu nhưở môn bóng đá, vài cầu thủ có thể tập chung nhau một quả bóng, cờ vua thì ai cũng có thể sử dụng chung bàn cờ thì đặc thù của VĐV bắn cung là cung tên phải được “thửa” riêng dựa trên chỉ số hình thể (chiều cao, chiều dài sải tay, lực kéo…) của mỗi một VĐV.
Sau khi đầu tư cho Phương, Thạnh và Nam 3 bộ cung tên, hiện bộ môn bắn cung còn 3 VĐV năng khiếu và chỉ một thời gian ngắn sau, 3 VĐV này cũng phải có mỗi người một bộ cung tên thật để tập luyện, thi đấu. Với kinh phí như vậy nên Huế chỉ “dám” phát triển cung một dây (15 bộ huy chương) dù vẫn biết rằng, nếu “làm” thêm cung ba dây thì càng có nhiều cơ hội làm dày thêm bộ sưu tập huy chương tại các giải đấu sắp đến.
Không chỉ kinh phí, một cái khó nữa của bắn cung là thiếu sân bãi tập luyện. “Do khuôn viên của trường quá chật nên hiện các em đang tập nhờ trên sân bóng của Đoàn bóng đá ở Trung tâm thể thao Huế. Nhưng đây là biện pháp tạm thời bởi tập ở đây vừa khiến VĐV mất tập trung, vừa rất dễ mất mát trang thiết bị thậm chí nguy hiểm nếu chẳng may tên bay lạc”, ông Hà Xuân Bình – Hiệu phó Trường trung cấp TDTT Huế chia sẻ.
Theo các chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, tuy chưa thể so với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng nếu đặt lên bàn cân thì Huế không hề thua sút những địa phương thành lập bộ môn bắn cung từ 3 năm trở lên như Đắk Lắk, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… Và từ nhận định trên, tin rằng, dẫu đang chập chững bước đi đầu tiên nhưng trong tương lai gần, những cung thủ Huế sẽ vượt qua khó khăn cũng như tạo được dấu ấn trong làng bắn cung cả nước.