Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tại các cường quốc xuất khẩu là Nhật Bản và Hàn Quốc, hoạt động sản xuất ghi nhận mức tăng; dù vậy, các doanh nghiệp phải đối mặt với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, và tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô thúc đẩy chi phí gia tăng.
Tăng trưởng hoạt động nhà máy của Trung Quốc đã giảm mạnh vào tháng 7 khi nhu cầu lần đầu tiên thu hẹp trong hơn 1 năm, theo kết quả của một cuộc khảo sát riêng được công bố vào ngày hôm nay (2/8), phù hợp với một cuộc khảo sát chính thức được công bố trước đó trong ngày 31/7, cho thấy sự chậm lại về hoạt động của các nhà máy.
Trong khi đó, Indonesia, Việt Nam và Malaysia đã chứng kiến hoạt động của các nhà máy sụt giảm trong tháng trước, do sự tái bùng phát về các ca nhiễm COVID-19 và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn liên quan đến đại dịch này.
Các cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh sự phân hóa đang nổi lên trên khắp nền kinh tế toàn cầu về tốc độ phục hồi từ những căng thẳng do đại dịch gây ra, điều này đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay đối với khu vực châu Á mới nổi.
Nhà kinh tế Usamah Bhatti của Công ty tư vấn IHS Markit nhận định, các bằng chứng nói trên cho thấy sự tái bùng phát về các ca nhiễm COVID-19 trên khắp khu vực châu Á, và sự gián đoạn về chuỗi cung ứng đang diễn ra dẫn đến nhu cầu ở các thị trường trong và ngoài nước sụt giảm.
Cụ thể, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) Caixin/Markit của Trung Quốc đã giảm xuống mức 50,3 điểm vào tháng trước, từ mức 51,3 điểm của tháng 6, đánh dấu mức thấp nhất trong 15 tháng, do chi phí gia tăng làm mờ triển vọng đối với trung tâm sản xuất của thế giới.
Chỉ số PMI cuối cùng của Ngân hàng au Jibun Nhật Bản đã tăng lên 53 điểm vào tháng 7, từ mức 52,4 điểm của tháng trước đó, mặc dù các nhà sản xuất chứng kiến giá đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008. Nhật Bản cũng phải đối mặt với sự tăng vọt về số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, buộc Chính phủ quốc gia này phải mở rộng các biện pháp hạn chế sang những khu vực rộng lớn hơn cho đến ngày 31/8.
Chỉ số PMI của Hàn Quốc đứng ở mức 53 điểm trong tháng trước, duy trì trên mốc 50 điểm, cho thấy sự mở rộng về hoạt động trong tháng thứ 10 liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số phụ về giá đầu vào đã tăng với mức cao thứ 2 từng được ghi nhận, một dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng mà các doanh nghiệp đang phải cảm nhận do chi phí nguyên liệu thô gia tăng.
Đáng chú ý, chỉ số PMI của Indonesia đã giảm xuống mức 40,1 điểm vào tháng trước, từ mức 53,5 điểm trong tháng 6. Điều này cho thấy sự căng thẳng của đại dịch COVID-19 đối với khu vực châu Á mới nổi.
Các cuộc khảo sát PMI tháng 7 cho biết thêm, hoạt động sản xuất cũng đã thu hẹp ở Việt Nam và Malaysia. Theo IHS Markit, tại Việt Nam, tốc độ giảm sản lượng và số lượng của các đơn đặt hàng mới đã tăng nhanh hơn so với tháng trước. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã tăng từ 44,1 điểm của tháng 6, lên mức 45,1 điểm vào tháng 7; song, số liệu lần này cho thấy các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất sụt giảm đáng kể trong tháng thứ 2 liên tiếp.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Markit Economics)